Trong năm qua, vấn đề chính sách giáo viên được đưa vào nội dung sửa đổi Luật Giáo dục khiến dư luận rất quan tâm. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Có thể nói, giáo viên là nhân tố quyết định việc thành bại trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Nhưng thực tế, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tiêu biểu là điều kiện bảo đảm hoạt động dạy học còn hạn chế, điểm tuyển sinh vào ngành sư phạm thấp so với mặt bằng chung. Cùng với đó, việc nuôi dưỡng tình yêu nghề và sự gắn bó với nghề của nhà giáo dường như có phần giảm sút…
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội . |
Từ thực trạng đó, có thể thấy chúng ta còn thiếu tính dự báo về quan hệ “cung - cầu” nguồn nhân lực ngành sư phạm. Do vậy, dẫn tới tỷ lệ sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp ngày càng cao; lương và thu nhập của giáo viên quá thấp.
Sự xuất hiện các giá trị chuẩn mực mới về đạo lý, về văn hoá ứng xử trước những tác động của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế và hình ảnh người thầy. Trong khi đó, việc điều chỉnh đối với giáo viên bằng Luật Viên chức cho thấy nghề giáo không còn được coi là nghề đặc thù.
Trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung có dự kiến chính sách: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp". Đây có phải là điểm mới, là vấn đề cốt lõi cần giải quyết trong chính sách Nhà giáo, thưa bà?
Thực ra, đây không phải là điểm mới. Vấn đề lương nhà giáo cần được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp là chủ trương hết sức đúng đắn.
Tuy nhiên, những quy định trong Luật Giáo dục qua các lần sửa đổi cũng như Nghị định của Chính phủ đã chưa thể hiện đầy đủ chủ trương đó.
Vậy ở trên thế giới, các nước đã có chính sách lương riêng cho giáo viên chưa, thưa bà?
Nhiều nước trên thế giới đã có chính sách lương riêng cho nhà giáo để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục. Chẳng hạn, Luxembourg, Thụy Sĩ và Hàn Quốc là những nước có chính sách trả lương xứng đáng cho nhà giáo. Mức lương của giáo viên Hàn Quốc có kinh nghiệm 10 năm vào khoảng từ 40.453 USD đến là 75.202 USD/năm. Hay ở Singapore, đã ưu tiên chính sách giáo viên với mức lương cao, được tiếp cận với nhiều cơ hội thăng tiến. Đồng thời, giáo viên được dành thời gian cho phát triển nghề nghiệp, nâng cao trình độ, trực tiếp tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển, đổi mới hệ thống giáo dục Singapore.
Ở Việt Nam, các chính sách, chế độ tiền lương đối với nhà giáo rõ ràng còn nhiều bất cập. Việc xếp lương của giáo viên vào lương hành chính sự nghiệp thực tế chưa phải “ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương”. Trong khi đó, họ còn chịu mức lương cơ sở dưới lương tối thiểu, khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp, phần nào làm giảm động lực, nhiệt huyết của giáo viên.
Vì vậy, yêu cầu thực tiễn đặt ra là cần sửa đổi chính sách lương nhà giáo. Nhưng sửa theo hướng nào thì cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi. Có thể theo hướng tăng hệ số phụ cấp của nhà giáo hoặc tách lương của nhà giáo ra khỏi lương của hệ thống hành chính. Qua đó, hình thành một chế độ lương riêng, bảo đảm để nhà giáo có thể đáp ứng những nhu cầu yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Vậy việc đặt ra vấn đề thay thế chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm bằng những chính sách khác trong nội dung sửa đổi luật Giáo dục lần này ra sao?
Đây cũng là điểm nhấn trong các chính sách mới đang được đề xuất sửa đổi trong Luật Giáo dục lần này. Chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm đã từng là một giải pháp tối ưu vào thời điểm 20 năm trước để thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm cũng như giải quyết bài toán thiếu giáo viên.
Nhưng tác động của chính sách này hiện nay đang bị giảm hiệu lực. Về phía người học, số thí sinh giỏi lựa chọn ngành sư phạm rất ít, điểm chuẩn đầu vào thấp dần qua từng năm. Trong khi đó, hàng năm ngân sách phải cấp bù cho đào tạo sư phạm lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư thấp, không thực hiện được mục tiêu thu hút người giỏi. Số sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao, gây lãng phí ngân sách. Trong khi đó, nhiều trường phải bù lỗ bằng cách lấy nguồn từ tiền học phí của sinh viên các ngành khác để nuôi sinh viên sư phạm.
Rõ ràng, học phí không phải là điều kiện duy nhất tác động tới sự lựa chọn ngành thi. Mấu chốt của việc thu hút sinh viên là chính sách giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, đặc biệt là cải thiện lương và thu nhập của giáo viên. Điều này cho thấy, kiến nghị bỏ chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm là có lý, nhằm bảo đảm đầu tư có hiệu quả ngân sách nhà nước.
Song song với đó là rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; tính toán chặt chẽ chỉ tiêu đào tạo mới. Đồng thời, ưu tiên ngân sách cho những trường sư phạm có chất lượng đào tạo tốt, uy tín. Tạo cơ chế bố trí việc làm cho những sinh viên sư phạm giỏi, có năng lực chuyên môn cao.
Đây chính là kinh nghiệm của những nước có nền giáo dục phát triển như Singapore, Hoa Kỳ, Pháp, Phần Lan, và gần nhất là Campuchia. Chẳng hạn, các trường đại học Phần Lan chỉ chọn 10% thí sinh đăng ký ngành sư phạm. Còn Singapore, mọi giáo viên đều phải được đào tạo theo chương trình giảng dạy của tại Viện Giáo dục Quốc gia ở Đại học công nghệ Nanyang…
Xin cảm ơn bà!