Nhỏ Bình thường Lớn

Lương giáo viên và tâm tư của những người cầm phấn

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) đã cận kề, nhiều giáo viên tâm tư về cuộc sống, chuyện nghề, thu nhập, làm sao để sống được bằng lương.
Làm thế nào để giáo viên sống được bằng lương?
Lương giáo viên là vấn đề khiến nhiều người cầm phấn trăn trở.

Tâm tư từ giáo viên THPT...

Qua chia sẻ, nhiều giáo viên ở Bạc Liêu, Sóc Trăng cho biết, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành giáo dục, trong đó có giáo viên, từ việc giảng dạy đến cuộc sống.

Thầy và trò bắt đầu một năm học rất vất vả, khó khăn khi phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Ngoài việc mua sắm thiết bị dạy học, giáo viên còn phải tự đổi mới phương pháp, học tập kĩ thuật để có bài soạn giảng khoa học sao cho hấp dẫn, phù hợp với học hình thức này.

Chia sẻ về nghề giáo, đặc biệt là vấn đề thu nhập, thầy Trần Quốc Dự (giáo viên ở tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, thu nhập của nghề giáo là cả một câu chuyện dài. Theo thầy, mặc dù Nhà nước đã rất cố gắng quan tâm nhưng thực tế vẫn còn những khó khăn.

"Như tôi đã 20 năm đứng bục giảng, lương và các loại phụ cấp hơn 7 triệu đồng. So với cuộc sống tối thiểu ngày hôm nay thì ráng lắm mới đủ lo cuộc sống, cho con học, chứ chưa dám nghĩ làm chuyện gì khác", thầy Dự tâm tư.

Mong muốn về lương giáo viên, thầy Trần Quốc Dự chia sẻ: "Không biết bao nhiêu gọi là mức lương đủ đầy khi Nhà nước mình còn khó khăn. Chỉ mong muốn các cấp quan tâm chăm lo cho giáo viên nhiều hơn, đặc biệt là đội ngũ giáo viên không chỉ vật chất mà còn tinh thần".

Thầy Dự cũng chia sẻ, dạy học trực tuyến thì phải làm việc nhiều giờ trên máy tính nên phần nào cũng khá mệt mỏi..

"Nhưng đáng lo nhất là ở các em học sinh, nhiều em phải học bằng điện thoại, ngồi theo dõi bài giảng nhiều, mắt rất mỏi, không được chơi đùa thoải mái... Tóm lại, có lẽ chất lượng dạy và học không thể bằng học trực tiếp được", thầy Dự nhận định.

Thầy Trần Minh Thương (giáo viên trường THPT Ngã Năm, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, chế độ chính sách và tiền lương đã qua nhiều lần cải cách thay đổi nhưng hiện nay vẫn chưa tạo được sự yên tâm để giáo viên tận tâm, tận lực cống hiến nhiệt huyết cho sự nghiệp giáo dục, nhất là chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Theo tôi, chương trình giáo dục mới đòi hỏi giáo viên rất nhiều, từ năng lực chuyên môn, cho đến thời gian, công sức... Vì vậy, để đội ngũ này thực hiện thắng lợi công việc được giao phó, tôi nghĩ nên có sự quan tâm đến họ hơn nữa, nhất là chính sách tiền lương và an sinh xã hội", thầy Thương mong mỏi.

... đến giáo viên Mầm non

Một nữ giáo viên Mầm non ở thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, cô công tác trong ngành được 6 năm. Cô cho rằng, cấp học mầm non có tầm quan trọng đối với trẻ ở những năm đầu đời, giúp trẻ hình thành các thói quen tốt cũng như phát triển một cách toàn diện. Nhưng hiện nay có một số ít phụ huynh nhìn nhận chưa đúng về cấp học, cũng như công việc của giáo viên mầm non, nghĩ rằng ở trường các cô chỉ giữ trẻ, ca hát...

"Trong khi đó, thời gian các cô giáo mầm non ở trường còn nhiều hơn ở nhà. Thời gian theo quy định làm việc là 8 tiếng, còn các cô làm việc khoảng hơn 10 tiếng để thực hiện nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non.

Bên cạnh đó, sau thời gian ở trường, khi về nhà, các cô còn làm đồ dùng phục vụ cho tiết học của ngày hôm sau. Vì thế, thời gian lo cho gia đình, chăm sóc bản thân còn hạn chế. Lâu dài khiến các cô bị stress khi vừa áp lực việc ở trường và cả ở nhà. Đã có một số cô xin thôi dạy để chăm sóc cho gia đình, con cái tốt hơn", cô giáo chia sẻ.

Theo cô giáo mầm non ở Giá Rai, bảng xếp lương của giáo viên mầm non hiện nay được xem là thấp nhất. Với quỹ thời gian làm việc như trên, với giáo viên 6 năm thì chỉ hơn 4 triệu đồng, mức này khó đảm bảo cuộc sống hiện nay.

Còn lãnh đạo một trường Mầm non ở thị Giá Rai cũng cho biết, giáo viên có thâm niên nhất trường là hơn 20 năm giảng dạy nhưng mức thu nhập hiện nay cũng chỉ khoảng 8-9 triệu đồng một tháng.

"Mong muốn của các giáo viên sẽ có mức lương phù hợp hơn nhằm đảm bảo được cuộc sống, để người giáo viên có thể chuyên tâm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao", cô giáo mầm non ở Giá Rai bày tỏ.

Cô Trịnh Thị Nhung (giáo viên trường THCS ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, cô đã có 26 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Cô cũng rất trăn trở khi lương, chế độ chính sách của giáo viên vẫn còn bất cập, thậm chí chưa thể đáp ứng để nhà giáo yên tâm công tác.

"Tôi có 26 năm dạy học, đến nay sau khi trừ hết các khoản, mỗi tháng còn được hơn 9 triệu đồng. Với số tiền này cuộc sống khó có thể đảm bảo nếu không có thêm thu nhập của chồng vì tôi còn hai con đang ăn học", cô Nhung chia sẻ.

Theo cô Nhung, để đi dạy, giáo viên phải bỏ tiền túi mua sắm trang thiết bị dạy học như máy tính, sách vở, giấy mực… bởi không được hỗ trợ về các khoản này.

"Chúng ta đã xác định giáo dục là quốc sách thì đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.

Vì vậy, để nhà giáo yên tâm dạy học, cháy hết mình với nghề, dành nhiều thời gian với nghề thì cần phải quan tâm đến chế độ tiền lương, làm sao đảm bảo cho nhà giáo đủ sống, thậm chí sống khá giả.

Cũng vì lương chưa đủ đáp ứng cho cuộc sống nên nhiều nhà giáo phải dạy thêm, làm thêm bằng nhiều nghề khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, thậm chí ảnh hưởng đến vị thế, hình ảnh của người thầy trong mắt của nhiều người", cô Nhung bày tỏ.

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Mong thầy cô vững vàng vượt qua 'cơn bão' Covid-19

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Mong thầy cô vững vàng vượt qua 'cơn bão' Covid-19

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), GS. NGND Nguyễn Lân Dũng mong thầy cô đang đứng lớp sẽ vững vàng vượt qua giai ...

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Cần 'cởi trói' và trao thực quyền cho giáo viên

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Cần 'cởi trói' và trao thực quyền cho giáo viên

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, muốn có ...

(theo Dân trí)