📞

Lý do 3 quốc gia NATO này thành lập lực lượng chung rà phá thủy lôi ở Biển Đen

Chu Văn 07:27 | 11/10/2023
Mặc dù không phải là một chiến dịch của NATO, song một lực lượng chung để rà phá thủy lôi sẽ là nỗ lực phối hợp quan trọng đầu tiên của các quốc gia thành viên tổ chức này tại Biển Đen.
Thổ Nhĩ Kỳ từng đề cập một thỏa thuận quốc tế cho phép tàu chiến chỉ thuộc các quốc gia ven Biển Đen được đi qua vùng biển này nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang. Ảnh: Một phương tiện không người lái tại Biển Đen. (Nguồn: Moscow Times)

Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ đang thảo luận về việc thành lập một lực lượng chung để rà phá thủy lôi tại Biển Đen, dự kiến cho ra đời một đơn vị theo mô hình này sớm nhất vào tháng 11 tới.

Với việc các cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine ngày càng gần hơn với biên giới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự này đang cố gắng cân bằng các phản ứng của mình đối với các vụ việc để tránh leo thang hơn với Moscow.

Các quả thủy lôi bị sóng đẩy đến bờ biển Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ và việc an ninh của các tuyến thương mại bị suy yếu đã buộc 3 quốc gia thành viên NATO này phải tăng cường các biện pháp phòng thủ.

Mặc dù không phải là một chiến dịch của NATO, song một lực lượng chung để rà phá thủy lôi sẽ là nỗ lực phối hợp quan trọng đầu tiên của các quốc gia thành viên tổ chức này tại Biển Đen kể từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine (tháng 2/2022).

Giới chức quân sự 3 quốc gia trên nhấn mạnh rằng, lực lượng chung này nhằm mục đích "hoàn toàn hòa bình" và "sẽ không đưa bất cứ tàu mới nào của NATO tới Biển Đen". Một trong các mục tiêu của sứ mệnh này là chứng minh rằng 3 nước có đủ khả năng để tự giải quyết vấn đề của mình.

Kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine, các quốc gia thành viên NATO đã tăng cường giám sát và trinh sát trong khu vực, nhưng không tăng cường hoạt động của hải quân.

Thổ Nhĩ Kỳ từng đề cập một thỏa thuận quốc tế cho phép tàu chiến chỉ thuộc các quốc gia ven Biển Đen được đi qua vùng biển này nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang. Đồng thời, Ankara không cho phép các tàu khác, kể cả của các đồng minh NATO, được đi qua Biển Đen.

(theo Bloomberg)