TIN LIÊN QUAN | |
Tin tức ASEAN buổi sáng 4/5 | |
Tin tức ASEAN buổi sáng 1/5 |
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Nikkei) |
Tình hình Covid-19 ở ASEAN
Tính đến rạng sáng ngày 5/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 49.917 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19, tăng 1.303 ca so với một ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.671 người dân ở khu vực này, tăng 35 trường hợp so với ngày 3/5. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.442 trường hợp.
Bộ Y tế Singapore cho biết ngày 4/5 đảo quốc sư tử ghi nhận 573 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm virus ở nước này lên thành 18.778 trường hợp. Điều đáng nói là có tới 560/573 ca bệnh mới xảy ra trong các lao động nhập cư nước ngoài sau khi Singapore phát hiện ba cụm lây nhiễm mới.
Cùng ngày, giới chức y tế Indonesia cho biết nước này ghi nhận 395 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 11.587 người. Ngoài ra, Indonesia có 19 ca tử vong trong ngày, nâng tổng số ca tử vong lên thành 864, trong khi có 1.954 bệnh nhân đã hồi phục.
Tại Malaysia, cùng ngày nước này có 55 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 6.353 người, trong khi số ca tử vong do Covid-19 không tăng, giữ ở con số 105. Con số bệnh nhân phục hồi tăng thêm 75, lên 4.484 ca, chiếm 70,6%.
Theo các quy tắc mới có hiệu lực từ ngày 4/5, hầu hết các doanh nghiệp ở Malaysia được phép mở lại, trong khi mọi người có thể tập thể dục ngoài trời và ăn tối tại các nhà hàng, trong khi trường học vẫn đóng cửa. Tuy nhiên, một số lãnh đạo chính quyền bang tuyên bố họ chưa áp dụng quy tắc mới do lo ngại an toàn của cộng đồng.
Trong ngày 4/5, Bộ Y tế Philippines thông báo có 262 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 9.485 trường hợp; trong đó có 16 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên thành 623 người.
Tại Thái Lan, số ca Covid-19 mới đã trở lại mức 2 con số do người nhập cảnh bất hợp pháp. Ngày 4/5, Thái Lan xác nhận 18 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, sau một tuần liên tiếp ghi nhận các ca mới nhiễm SARS-CoV-2 theo ngày ở mức một con số. Tuy vậy nước này không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào trong ngày thứ 4 liên tiếp.
Như vậy, Thái Lan hiện có tổng cộng 2.987 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Đến nay, ngành y tế Thái Lan đã chữa khỏi cho 2.470 bệnh nhân mắc Covid-19, trong khi còn 193 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
Nhìn chung, ở Đông Nam Á, đại dịch Covid-19 chỉ còn diễn biến đáng lo ngại tại nhóm 4 quốc gia gồm Singapore, Philippines, Indonesia và Malaysia, trong khi các nước còn lại đã kiểm soát tốt tình hình, đặc biệt là nhóm các nước gồm: Lào, Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Timor Leste đã nhiều ngày không ghi nhận ca mắc bệnh mới cũng như ca tử vong.
Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch Covid-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 271 và số ca khỏi bệnh hiện là 232.
(TGVN/TTXVN)
ADB: Đông Nam Á có thể thải ra 1.000 tấn chất thải y tế hàng ngày
Đó là cảnh báo của Ngân hàng Phát triển châu Á trong tình trạng các quốc gia Đông Nam Á đang phải "vùi đầu" trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Theo ước tính của ADB, dựa trên thực tế ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), 5 thành phố tại Đông Nam Á là Manila, Jakarta, Bangkok, Kuala Lumpur và Hà Nội, sẽ thải ra thêm khoảng 1.016 tấn chất thải y tế mỗi ngày. Manila đứng đầu danh sách này, tiếp đó là Jakarta. Hầu hết các thành phố này đều sẽ không đủ khả năng xử lý toàn bộ lượng chất thải y tế nói trên.
Trước thực tế này, ADB kêu gọi các chính phủ ở ASEAN nên chú tâm vào việc xử lý chất thải y tế, nhất là khi chúng được sử dụng để chữa trị cho bệnh nhân dương tính với Covid-19, nhằm tránh khả năng lây nhiễm ra ngoài xã hội.
Ông Steve Peters, chuyên gia năng lượng của ADB cho biết, việc đốt rác thải y tế nên là biện pháp cuối cùng trong việc xử lý rác từ việc điều trị bệnh nhân dương tính với virus corona.
Ông đề nghị các chính phủ tạm thời thu gom và lưu trữ chất thải y tế truyền nhiễm trong các container lạnh. Trong trường hợp không thể xử lý ngay được, khi thời gian lưu trữ kết thúc, thường là 60 đến 90 ngày, chất thải còn lại có thể được đưa đến lò nung xi măng để đốt và tạo thành xi măng, giống như những gì đã làm tại Trung Quốc. Quá trình này sẽ không tạo ra khí thải độc hay gây ô nhiễm môi trường.
(Eco-Business)
Kêu gọi một chính sách ngôn ngữ mạnh mẽ hơn trong ASEAN
ASEAN bao gồm hàng trăm nhóm dân tộc khác nhau với hàng nghìn ngôn ngữ khác nhau. Trong đó, Indonesia có hơn 700 ngôn ngữ đang được sử dụng và Philippines là hơn 100.
Bất chấp sự đa dạng đặc biệt này, một số nhà nghiên cứu về chính sách ngôn ngữ trong ASEAN, như Andy Kirkpatrick, lưu ý rằng có rất ít thảo luận về chính sách giáo dục ngôn ngữ trong khu vực.
Điều này đã dẫn đến sự pha trộn của các chính sách ngôn ngữ giữa các quốc gia thành viên và tạo thành các mối đe dọa đối với sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa trong khu vực.
Michelle Kohler, một nhà nghiên cứu về chính sách ngôn ngữ ở Indonesia tại Đại học South Australia cho biết, ngoài quốc ngữ Bahasa Indonesia, hầu hết các ngôn ngữ địa phương chỉ được dạy tại các trường có cộng đồng người nói tiếng đó lớn, trong khi ngôn ngữ của các cộng đồng nhỏ hơn lại không được áp dụng trong chương trình học.
Hơn nữa, tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc của ASEAN và được coi là ngôn ngữ của hiện đại hóa và quốc tế hóa, khiến cho nhu cầu học tiếng Anh trong khu vực trở nên cao hơn. Trình độ tiếng Anh tốt có thể đồng nghĩa với nhiều cơ hội việc làm tốt hơn.
Vì vậy, một số trường học ở Đông Nam Á thực hiện giáo dục song ngữ bằng tiếng Anh và ngôn ngữ quốc gia, bỏ qua sự tồn tại của ngôn ngữ địa phương. Tuy nhiên, chính sách giáo dục này nhiều khi phản tác dụng bởi học sinh nói tiếng địa phương nhiều khi không theo kịp các tài liệu bằng ngôn ngữ mà các em chưa thành thạo. Điều này đã buộc một số nước ASEAN phải thường xuyên thay đổi chính sách giáo dục ngôn ngữ trong thập kỷ qua.
ASEAN cần có một chính sách ngôn ngữ mạnh mẽ hơn, nhằm bảo vệ những ngôn ngữ địa phương, tăng cường sự đa dạng văn hóa. Việc củng cố bản sắc văn hóa này sẽ giúp chúng ta nổi bật trong thế giới toàn cầu hóa và tránh chỉ trở thành những người theo dõi và người tiêu dùng các sản phẩm của toàn cầu hóa.
(ASEAN Today)
Sân vận động Mỹ Đình. |
Top 5 sân vận động tốt nhất Đông Nam Á của AFC
Trang chủ của Liên đoàn Bóng đá châu Á vừa bình chọn 5 sân bóng được đánh giá là có chất lượng tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Đó là SVĐ quốc gia Australia (Sydney, Australia), SVĐ Gelora Bung Karno (Jakarta, Indonesia), SVĐ quốc gia Malaysia (Bukit Jalil, Malaysia), SVĐ Rajamangala (Bangkok, Thái Lan) và SVĐ quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội, Việt Nam).
Viết về “chảo lửa” Mỹ Đình, bài viết của AFC nêu rõ: “SVĐ quốc gia Mỹ Đình nằm trong khuôn viên của Khu liên hợp thể thao quốc gia Việt Nam. Đây là tổ hợp đa năng nằm cách trung tâm Hà Nội 10km về phía Tây. SVĐ Mỹ Đình được khánh thành vào năm 2003 với sức chứa 40.192 khán giả. Năm 2007, Mỹ Đình được lựa chọn để sử dụng cho AFC Asian Cup 2007.
Trận đấu đầu tiên diễn ra trên SVĐ Mỹ Đình là trận giao hữu giữa U23 Việt Nam và CLB Thần Hoa Thượng Hải (đang thi đấu tại Super League – Trung Quốc). Cuối năm đó, SVĐ Mỹ Đình chính thức được sử dụng cho SEA Games 22.
Năm 2007, SVĐ Mỹ Đình là nơi diễn ra hầu hết các trận đấu của AFC Asian Cup (trừ một trận đấu của bảng B). Tại giải đấu này, đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng 2-0 trước UAE trong trận đấu mở màn, trước khi tiến vào vòng tứ kết và chỉ chịu thua trước đội á quân Nhật Bản".
(AFC)
| Bộ trưởng Thương mại Singapore: Hiệp định RCEP dự kiến vẫn được ký kết trong năm nay TGVN. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing khẳng định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ... |
| ASEAN tìm cách hồi sinh ngành du lịch hậu dịch Covid-19 TGVN. Bộ trưởng Du lịch của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự một hội nghị đặc ... |
| Chuyên gia chỉ rõ âm mưu của Trung Quốc 'khuấy động' Biển Đông giữa Covid-19 TGVN. Theo các chuyên gia, Trung Quốc muốn thúc đẩy yêu sách phi lý ở Biển Đông lợi dụng bối cảnh các nước phải dồn lực ... |