📞

Lý do 'bão' chuyến thăm 'đổ bộ' xuống Ấn Độ

Hoàng Thủy 18:31 | 06/04/2022
Hàng loạt quan chức cấp cao bao gồm ngoại trưởng các nước Nga, Mexico và Anh cùng phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và Hà Lan đã có mặt ở New Delhi vào tuần trước.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss làm việc với Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman ngày 31/3. (Nguồn: Twitter)

Ngày 31/3, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh đến thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Chuyến công du này diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Trong tháng Ba, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Ấn Độ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc trong vòng gần 2 năm qua, kể từ khi xảy ra tranh chấp giữa hai nước tại biên giới từ tháng 5/2020.

Không lâu trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ. Tại cuộc gặp người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi, ông Kishida đã đề cập cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho rằng các động thái của Moscow đã "làm lung lay trật tự quốc tế". Tuy nhiên, Thủ tướng Modi không đề cập trực tiếp đến Ukraine.

Điều này cũng lý giải cho việc các quan chức nước ngoài cùng lúc đến thăm Ấn Độ.

Cuộc giằng co đang diễn ra giữa hai khối chính. Một bên là Mỹ, cùng với các đồng minh ở phương Tây và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ở đầu bên kia là Nga và Trung Quốc.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự phân cực mạnh mẽ này là cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Thực tế là, New Delhi đang phát triển quan hệ chặt chẽ với Washington trong những năm gần đây. Cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia, Ấn Độ là thành viên chủ chốt của Bộ tứ (Quad) đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có quan hệ quốc phòng và kinh tế lâu đời với Nga.

Tất cả những điều này đã đưa Ấn Độ vào vị trí đặc biệt khi nói đến Ukraine.

Ấn Độ đã kêu gọi đàm phán và ngừng bắn; đồng thời không ủng hộ nghị quyết của Nga nhằm giảm nhẹ trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Ukraine.

Nhưng động thái này là chưa đủ đối với phương Tây, vốn đang kêu gọi New Delhi đưa ra lập trường rõ ràng tại Liên hợp quốc trong việc thông qua nghị quyết chỉ trích Moscow về các hành động của mình.

Đáng chú ý, bất chấp những nỗ lực cô lập Điện Kremlin, Ấn Độ vẫn đang tiếp tục mua dầu thô của nước này.

Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman cho biết, Ấn Độ đã bắt đầu mua dầu giá chiết khấu từ Nga và số dầu nhận được đủ đáp ứng nhu cầu trong 3,4 ngày tới.

Mục tiêu của Nga rất rõ ràng, ngay cả khi Ấn Độ không tham gia cuộc xung đột với Ukraine. Moscow sẽ muốn New Delhi tiếp tục lập trường trung lập của mình và tiếp tục giao dịch giữa 2 bên.

Về phía Mỹ và khối phương Tây, điều gì khiến họ không hài lòng về việc Ấn Độ không công khai chỉ trích Nga?

Mỹ và Australia chỉ trích Ấn Độ vì đã thảo luận kế hoạch thực hiện các khoản thanh toán bằng đồng Rupee thay thế cho SWIFT, liên quan đến việc thực hiện thanh toán bằng cách sử dụng hệ thống nhắn tin SPFS của Nga.

Mỹ và các đồng minh lo ngại những thỏa thuận như vậy sẽ làm suy yếu các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt.

Phía Washington dường như đưa ra một lời cảnh báo rằng Ấn Độ sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiệm trọng nếu cố gắng “lách hoặc lấp liếm” các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.

Bên cạnh những thách thức nảy sinh từ cuộc xung đột ở Ukraine, Ấn Độ cũng nên nắm bắt những cơ hội trước mắt.

Moscow có mối quan hệ quốc phòng và chiến lược quan trọng với Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ cũng là thành viên chủ chốt của Bộ tứ trong việc đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc - đối thủ chiến lược của Ấn Độ.

Điều quan trọng không kém là khối lượng thương mại với Nga rất nhỏ so với khối lượng thương mại của Ấn Độ với Mỹ và các đồng minh.

Các mối quan hệ thương mại như các khoản đầu tư được công bố gần đây của Nhật Bản rất quan trọng đối với quốc gia 1,3 tỷ dân.

New Delhi sẽ phải tìm cách khéo léo cân bằng những lợi ích khác biệt này.

(theo Business Standard)