Ngày 25/4, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh EU-Nhật Bản, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Brussels.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: AP) |
Phát biểu sau hội nghị, một quan chức cấp cao của châu Âu khẳng định, hai bên quyết định tăng cường hơn nữa hợp tác song phương dựa trên nền tảng pháp lý vững chắc. Một khi quan hệ đối tác kinh tế giữa EU và Nhật Bản có hiệu lực (sớm nhất trong năm nay), hầu như tất cả các hoạt động xuất khẩu của EU vào Nhật Bản sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên, trước sức ép của Mỹ, Chính phủ Nhật Bản lại dè dặt trong vấn đề cải cách WTO và biến đổi khí hậu. Hai vấn đề này đã trở thành trở ngại chính trong hệ thống ngoại giao đa phương sau bầu cử Tổng thống Mỹ và sẽ là các chủ đề nóng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng Sáu tới tại Osaka, Nhật Bản.
Về vấn đề cải cách WTO, về mặt chính thức, hai đối tác đã đạt được các điểm đồng thuận. Tuy nhiên, châu Âu đã không thành công trong việc thuyết phục các nhà đàm phán Nhật Bản trong việc hợp tác về cải cách Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO, vốn được xem là một “ưu tiên chung” của hai bên. Nhật Bản đã không ủng hộ đề xuất của Brussels nhằm bổ nhiệm các thẩm phán mới cho cơ quan này. Ngày 19/4, Nhật Bản và Australia đã bày tỏ quan điểm riêng của họ. Đây là một “gáo nước lạnh” đối với những nhiệt huyết của EU trong việc xây dựng sự đồng thuận về đề xuất cải cách WTO của châu Âu. Các quan điểm của Nhật Bản và Australia là nhằm xoa dịu một số lo lắng mà Washington bày tỏ trước đó, muốn hạn chế triệt để các thẩm quyền và quyết định của WTO.
Cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ phải bổ nhiệm ít nhất 2 thành viên từ nay cho đến cuối năm để tiếp tục vận hành, nếu không toàn bộ khung quản trị của WTO sẽ bị đe dọa. Mỹ kịch liệt phản đối Cơ quan Giải quyết Tranh chấp và muốn giảm thiểu các thẩm quyền của cơ quan này. Vậy mà đối với châu Âu, đây lại là công cụ chính để loại bỏ các tranh chấp thương mại trong hệ thống đa phương.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, hai bên không có cùng quan điểm. Đại diện châu Âu đã lấy làm tiếc vì Nhật Bản từ chối cam kết tăng cường thực hiện hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Ông Shinzo Abe, vốn dĩ không muốn phải hứng chịu sự trừng phạt của Tổng thống Donald Trump khi xích lại quá gần với EU trong vấn đề cải cách WTO và vấn đề chống biến đổi khí hậu, bởi chỉ vài ngày nữa thôi là ông sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức Nhà Trắng. Và có lẽ EU cũng sẽ cảm thông vì tất cả mọi người đều biết rõ vai trò quan trọng của quan hệ đối tác về an ninh Nhật Bản và Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng tại Thái Bình Dương.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông Shinzo Abe đã thực hiện một loạt chuyến công du tới các nước đối tác quan trọng. Trước khi tới Brussels, ông đã tới Pháp, Italy và Slovakia. Và tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - Nhật Bản lần này, mục đích chính của ông là tìm cách giảng hòa giữa Washington và Brussels.