📞

Lý do Trung Quốc siết chặt kiểm soát giới công nghệ

DUY QUANG 20:00 | 02/01/2021
TGVN. Thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã có những đòn đánh vào một số công ty công nghệ nội địa, mà đối tượng chính là Jack Ma, vừa để chỉnh đốn tỷ phú này và các công ty của ông, vừa để răn đe các công ty công nghệ khác.
Alibaba và Ant Group, những công ty do tỷ phú Jack Ma sáng lập là nạn nhân đầu tiên trong cuộc kiểm soát giới công nghệ của chính phủ Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Một thời, khi Trung Quốc đang cố gắng vượt mặt Mỹ để trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới, Bắc Kinh để ngành Internet tự do phát triển. Nhờ vậy, các công ty công nghệ nội địa lớn nhất đã được thừa sức tung hoành với sự hỗ trợ của chính phủ.

Tuy nhiên, những sự kiện thời gian qua cho thấy, dường như chính phủ Trung Quốc đã có những thay đổi nhất định trong quan điểm của mình và bắt đầu kiềm chế sự bành trướng của các công ty công nghệ lớn. Đầu tiên là việc tập đoàn tài chính Ant Group bất ngờ bị đình chỉ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) do những áp lực về pháp lý.

Hồi tháng 11, giới chức nước này đã giới thiệu dự thảo chính sách về chống độc quyền, cho phép chính phủ có thể hạn chế các doanh nhân mở rộng phạm vi hoạt động. Theo Washington Post, dường như dự luật này hướng đến kiềm chế những “gã khổng lồ” công nghệ mạnh nhất, bao gồm tập đoàn Alibaba (nhà đầu tư lớn nhất của Ant) và Tencent (nhà điều hành siêu ứng dụng WeChat).

Trong những ngày cuối cùng của năm 2020, giới chức Trung Quốc đã “bắn phát súng” mở màn bằng việc Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) mở cuộc điều tra về hành vi độc quyền đối với Alibaba nhưng không đưa ra thông tin chi tiết. Trong khi đó, các cơ quan quản lý, cơ quan giám sát ngành ngân hàng sẽ giám sát Ant Group và đưa ra những quy định tài chính ngày càng nghiêm ngặt.

Đòn đau với Jack Ma

Trong đợt “càn quét” đầu tiên, những nạn nhân đều là các công ty của tỷ phú Jack Ma. Giải thích về nguyên nhân này, Reuters cho rằng tại một hội nghị ngày 24/10, nhà sáng lập Alibaba đã chỉ trích hệ thống quy định cản trở đổi mới và phải cải cách để thúc đẩy tăng trưởng.

Có những thông tin cho rằng, trước khi hội nghị diễn ra, có một vài người khuyên tỷ phú 56 tuổi nên dịu giọng do hội nghị có sự tham dự của một vài quan chức tài chính cao cấp nhất của Trung Quốc song ông từ chối và tin rằng có thể nói bất kỳ điều gì mà ông muốn.

Một nguồn tin mô tả bài phát biểu hôm đó của Jack Ma như “đấm vào mặt” các quan chức. Cơ quan quản lý bắt đầu tập hợp báo cáo về cách Ant dùng các sản phẩm tài chính kỹ thuật số, báo cáo về phản ứng của công chúng trước phát ngôn của Jack Ma và nộp lên những nhân vật cao cấp, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sau những quyết định của chính quyền, cổ phiếu Alibaba giảm mạnh nhất kể từ hồi tháng Bảy. Ở phiên 24/12 tại Mỹ, cổ phiếu Alibaba giảm 13%, mức giảm kỷ lục trong một ngày. Sự sụt giảm này đã đưa cổ phiếu Alibaba xuống mức thấp nhất kể từ tháng Bảy và mã này hiện giảm 30% so với mức đỉnh hồi tháng 10.

Nguyên nhân do đâu?

Từng được ca ngợi là động lực thúc đẩy sự thịnh vượng cho nền kinh tế và biểu tượng cho tiềm lực công nghệ của Trung Quốc, Alibaba và các đối thủ như Tencent hiện đang phải đối diện với áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý.

Động thái này diễn ra sau khi thu hút hàng trăm triệu người dùng và tạo sự ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc.

Trải qua nhiều năm với sự giám sát và các quy định lỏng lẻo của chính phủ, Ant đã trở thành một “đế chế” công nghệ tài chính (fintech) của Trung Quốc, với các mảng kinh doanh gồm: thanh toán, ngân hàng, quản lý tài sản và bảo hiểm.

Trong khi đó, hệ sinh thái Internet của Trung Quốc từ lâu đã không có sự cạnh tranh của Google và Facebook. Tuy nhiên, không gian này lại bị chi phối bởi hai công ty là Alibaba và Tencent, thông qua mạng lưới đầu tư “như mê cung” bao gồm phần lớn những công ty startup trong nước từ AI cho đến tài chính số.

Theo Bloomberg, phần lớn các công ty công nghệ được hậu thuẫn bởi hai “ông lớn” trên như Meituan và Didi Chuxing đều trở thành những câu chuyện thành công rực rỡ của giới công nghệ Trung Quốc.

Còn lại, những công ty nằm bên ngoài quỹ đạo này thì đa phần đều sống trong tình trạng hẩm hiu, ngoại trừ một số trường hợp rất hiếm như ByteDance (công ty mẹ của TikTok).

Hiện vẫn chưa ai biết chính xác vì sao Bắc Kinh bỗng dưng lại mạnh tay với các ông lớn công nghệ, ngoại trừ lý do đề cao việc bảo vệ người tiêu dùng và duy trì sự ổn định tài chính bằng cách giảm thiểu rủi ro.

Bloomberg nhận định, một số nhà phân tích và nhà đầu tư nghĩ rằng, các cơ quan quản lý chỉ đang tái khẳng định quyền giám sát của họ, chứ không phải tìm cách “hạ bệ” các ông lớn hay thay đổi mạnh mẽ thị trường.

Một số khác thì cho rằng, các nhà quản lý đã trở nên thất vọng với sự vênh váo của các tỷ phú công nghệ, cho rằng họ đã đi sai hướng và muốn dạy cho chấn chỉnh lại hành vi, nhằm duy trì trật tự thị trường và khuyến khích đổi mới chiến lược.

(theo Bloomberg,Washington Post)