Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Getty) |
Khi đánh giá tiềm lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây, một điều không thể phủ nhận là sự phát triển nhanh chóng của máy bay không người lái quân sự của nước này.
Thậm chí doanh số bán mặt hàng này tăng cao đã dẫn đến sự ra đời của một thuật ngữ mới ở Thổ Nhĩ Kỳ là “ngoại giao máy bay không người lái”.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), mặc dù Nga hiện chiếm ưu thế trong thị trường vũ khí châu Phi, nhưng mối quan tâm đến vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực này đang tăng lên.
Tháng trước, trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ-châu Phi lần thứ 3 là hợp tác quốc phòng. Tại Istanbul, các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của 39 quốc gia châu Phi đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thiết lập chương trình hợp tác quân sự.
Một trong những ưu điểm lớn khiến nhiều nước châu Phi tìm kiếm cơ hội mua thiết bị quân sự Thổ Nhĩ Kỳ là giá thành rẻ và ít điều kiện đi kèm. Vũ khí giá rẻ của Thổ Nhĩ Kỳ như máy bay không người lái Bayraktar TB2 được đánh giá là phù hợp cho các cuộc chiến trong tương lai ở châu Phi.
Theo Wall Street Journal, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra cuộc chiến trong tương lai được định hình bởi các phương tiện chiến đấu giá rẻ nhưng hiệu quả tương đương những phương tiện đắt tiền với công nghệ tiên tiến nhất.
"Một bộ 6 máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, các đơn vị mặt đất và các thiết bị hoạt động thiết yếu khác chỉ trị giá hàng chục triệu USD, thay vì hàng trăm triệu USD cho MQ-9 của Mỹ", tờ Wall Street Journal nhấn mạnh.
Từ trái sang phải: Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Felix Tshisekedi, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat tại Hội nghị thượng đỉnh quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ-châu Phi lần thứ 3, 19/12/2021. (Nguồn: AA) |
Angola cũng bày tỏ sự quan tâm đến máy bay không người lái trong chuyến thăm của ông Erdogan tới quốc gia này vào tháng 10/2021. Trong chuyến thăm, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố, trong ngắn hạn, Angola và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nâng kim ngạch thương mại song phương hàng năm lên 500 triệu USD. Một nửa con số này dự kiến sẽ là thiết bị quân sự.
Sự phủ sóng rộng rãi máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ khắp châu Phi đã làm nổi bật chính sách "ngoại giao máy bay không người lái" của Ankara trong khu vực.
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao này của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là không có đối thủ cạnh tranh khi Trung Quốc cũng đang phát triển công nghệ máy bay không người lái và cũng quan tâm đến thị trường châu Phi.
Để duy trì thành công ngoại giao máy bay không người lái, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể vượt qua đối thủ bằng cách cung cấp dịch vụ và tiêu chuẩn công nghệ cao được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bảo đảm.
Và quan trọng nhất, Ankara cần mở rộng phạm vi hợp tác với các nước châu Phi, đi cùng các hợp đồng mua bán vũ khí là các dự án phát triển.