Với Lý Nhã Kỳ, mỗi “bộ cánh” còn thể hiện sự tự hào về một quốc gia mà mình sinh ra và lớn lên. |
Nhiều năm xuất hiện trên thảm đỏ LHP Cannes, chị được biết đến với những “bộ cánh” sang trọng, trong đó Áo dài truyền thống của Việt Nam cũng đã cùng chị xuất hiện nổi bật trên thảm đỏ Cannes. Mỗi khi khoác lên mình một bộ trang phục, chị thường nghĩ đến điều gì?
Tôi thường nghĩ đến hình ảnh quốc gia và thương hiệu của chính mình.
Tham dự nhiều mùa Cannes, tôi vẫn ưu ái lựa chọn những bộ đầm của các nhà thiết kế trong nước, theo hơi hướng văn hóa Việt. Qua đó, tôi muốn gửi gắm nét văn hóa Việt qua những trang phục khoác trên người.
Có thể nói, thời trang trên thảm đỏ sẽ giúp nghệ sĩ truyền tải thông điệp cũng như văn hóa của mình. Khoảng thời gian ít ỏi 30 giây trên thảm đỏ đủ để mỗi người tỏa sáng, nếu có sự lựa chọn đúng đắn.
Mỗi một ngôi sao hay nghệ sĩ bước chân trên thảm đỏ ngoài việc chọn những “bộ cánh” đẹp để tôn vinh họ, còn phải thể hiện được cá tính, ngôn ngữ trên cơ thể, cái tôi riêng của mình. Đặc biệt, trang phục đó còn thể hiện sự tự hào về một quốc gia mà mình sinh ra và lớn lên.
Không phải cứ nói “tôi mặc cho cá nhân tôi” mà không phải vì quốc gia. Bởi nhất cử nhất động những hành động của chúng ta sẽ được biết đến từ quốc gia nào. Không chỉ nghệ sĩ, bất cứ cá nhân nào cũng phải có trách nhiệm bởi mỗi hình ảnh, hành động hay sai lầm nào của chúng ta đều ít nhiều ảnh hưởng.
Mỗi một ngôi sao được ban tổ chức mời cũng chỉ đi trên thảm đỏ khoảng 30 giây đến một phút, cách thể hiện thông minh nhất chính là bộ đồ của mình. Vì vậy, các nghệ sĩ khi ra nước ngoài cần có sự tinh tế trong ứng xử, chú trọng trang phục, thể hiện được nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam luôn thanh lịch, nhẹ nhàng, kín đáo.
Thời gian gần đây, “thảm họa” thời trang trên thảm đỏ luôn được báo chí trong nước và quốc tế quan tâm. Nhiều ngôi sao trẻ lại đánh bóng tên tuổi của mình bằng những bộ đầm táo bạo, kém duyên, hoặc tranh thủ “câu giờ” phản cảm. Chị nghĩ thế nào về vấn đề này?
Qua 5 năm tham gia LHP Cannes, tôi cũng chứng kiến nhiều nghệ sĩ chưa có tên tuổi mải mê đứng trên thảm đỏ chụp hình và bị nhắc nhở. Phần lớn họ là nghệ sĩ châu Á, đi theo vé mời của các thương hiệu tài trợ, chỉ được xem là khán giả. Họ thường cố nán lại trên thảm đỏ để mong lọt vào ống kính của truyền thông quốc tế. Tôi chưa bao giờ thấy những nghệ sĩ, ngôi sao đẳng cấp, có thâm niên đi Cannes bị nhắc nhở bởi ban tổ chức.
Phong cách thời trang thảm đỏ của Lý Nhã Kỳ luôn có chút quyền lực. |
Hình như nhiều người đang nhầm lẫn, đánh đồng người xuất hiện tại Cannes là đại diện cho hình ảnh quốc gia?
Thực tế người đến Cannes thường có hai nhóm. Thứ nhất, nhóm khách mời là các ngôi sao, được ban tổ chức mời tham gia hoạt động chính thức trong khuôn khổ Cannes, khoảng 300 - 400 khách VIP. Đó có thể là ngôi sao, đạo diễn nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia khác nhau và được truyền thông quốc tế quen mặt biết tên. Nói đúng hơn, đó là những khách “đinh” của sự kiện.
Lý Nhã Kỳ rạng rỡ khi khoác lên mình bộ đầm hồng. |
Nhóm thứ hai xuất hiện với tư cách khán giả, thường là khách mời của các thương hiệu hoặc mua vé đi thảm đỏ từ các dịch vụ. Những hoạt động của họ nằm ngoài khuôn khổ Cannes, bởi vậy, khi một người nào đó đến Cannes với tư cách là khán giả mà cố tình gây chú ý thực tế cũng khó được săn đón. Tuy nhiên, những câu chuyện “dở khóc dở cười” như vậy vẫn diễn ra ở Cannes đã trở thành “chuyện thường ở huyện”, mùa nào cũng có.
Theo tôi, người nào cố tình lợi dụng thảm đỏ để tạo scandal rất có thể sẽ thành "gậy ông đập lưng ông", ít nhất là ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của chính cá nhân đó, rộng hơn là hình ảnh của quốc gia.
Đối với chị, văn hóa ứng xử trên thảm đỏ quan trọng ra sao?
Các nghệ sĩ là khách mời của ban tổ chức đến Cannes đều phải có kiến thức nhất định trong văn hóa ứng xử. Bởi lẽ, đến LHP Cannes là để chinh phục công chúng, cần có một chiến lược nghiêm túc và tinh tế trong ứng xử. Một ngôi sao đẳng cấp sẽ đủ thông minh để biết rằng, chiêu trò chỉ có thể biến mình thành "món ăn" giải trí, chứ không phải món ăn tinh thần cho khán giả.
Và sau những “lùm xùm” về cách ăn mặc phản cảm của một ngôi sao trẻ những ngày vừa qua, người hâm mộ lại nhớ đến chị. Cảm xúc của chị ra sao?
Còn gì vui hơn khi được truyền thông trong nước và khán giá ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của mình trong việc khẳng định vị trí cá nhân ở Cannes trong thời gian qua. Thực tế, tôi nhận được rất nhiều, từ sự khích lệ, yêu mến của người hâm mộ, giúp tôi có thêm động lực để quảng bá hình ảnh, văn hóa và đất nước Việt Nam. Đồng thời, khẳng định vị thế của điện ảnh Việt Nam tại Cannes khi tôi ở vai trò khách mời chính thức của Ban tổ chức LHP. Dù năm nay tôi không tham dự Cannes nhưng còn gì may mắn hơn khi vẫn có những khán giả nhớ đến mình.
Chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi xuất hiện ở Cannes?
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình hoàn hảo để có thể khuyên ai đó nhưng tôi nghĩ, nếu muốn “định vị” mình, muốn vươn lên tầm ngôi sao không thể ngày một ngày hai, đó là một quá trình phấn đấu, nỗ lực lâu dài và không ngừng. Cannes không phải sân chơi của những trò phản cảm, rẻ tiền. Không phải cứ đến Cannes một mùa, tạo scandal là được chú ý, là tên tuổi được khẳng định.
Thực tế, khán giả và truyền thông quốc tế rất “khó tính”. Họ có kiến thức và không để tâm nhiều đến scandal của những khách mời vô danh, bởi đó thực chất chỉ là chiêu trò diễn đi diễn lại nhiều lần.
Đẳng cấp của một ngôi sao nằm ở chỗ lựa chọn tinh tế trang phục và văn hóa ứng xử. Một ngôi sao khi đến mỗi sự kiện sẽ theo đuổi phong cách khác nhau, để lại dấu ấn riêng, thể hiện được văn hóa của từng người và từng quốc gia. Mỗi minh tinh đến Cannes đều cố gắng gửi gắm một thông điệp gì đó qua trang phục của mình khi sải bước trên thảm đỏ.
Theo Lý Nhã Kỳ, để tạo thương hiệu của một người không thể bằng những chiêu trò phản cảm. |
Từng có những trải nghiệm riêng tại Cannes, tôi nghĩ mỗi nghệ sĩ đến Cannes thay vì cố tình gây chú ý, hãy biết tiết chế, biết phát huy hình ảnh cá nhân và đem đến những thông điệp riêng, mang cốt cách văn hóa của Việt Nam. Chắc chắn, sự nỗ lực của mình sẽ được ghi nhận chứ không cần phải đánh bóng tên tuổi bằng những bộ đồ thiếu tế nhị, phản cảm.
Riêng bản thân tôi luôn muốn những gì mình có được bằng nội lực và năng lực của chính bản thân. Một khoảnh khắc có được từ những chiêu trò không tạo nên đẳng cấp và thương hiệu của một người. Thậm chí, rất có thể người đó sẽ đánh mất hình ảnh và giá trị của mình ở tương lai.
Tôi nghĩ, nghệ sĩ đến với Cannes hãy giữ lại cho mình, cho khán giả hình ảnh “sạch”, đừng vội vã đốt cháy giai đoạn mong nổi tiếng mà biến mình thành một hiện tượng mạng xã hội, đừng "mắc bẫy" hào quang bằng những trò... lố!
Cảm ơn chị!