📞

M&A: Cuộc đọ sức mới của Trung Quốc

10:00 | 22/04/2016
Gần đây, doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu vươn lên bậc thang giá trị bằng cách mua lại các công ty phương Tây có tiếng tăm, hoặc mua lại và phục hồi các nhà máy đang gặp khó khăn.

“Cơn mua sắm điên cuồng” là cụm từ mà giới truyền thông Mỹ mô tả về trào lưu thâu tóm doanh nghiệp của các nhà đầu tư Trung Quốc hiện nay. Hiện tượng này ngày càng gây chú ý bởi người Trung Quốc nhắm tới các mục tiêu đắt giá, đặc biệt là các thương hiệu mạnh của nền kinh tế số 1 thế giới – Mỹ. Liệu các doanh nghiệp Trung Quốc có thể thống trị thế giới?

“Cơn mua sắm điên cuồng”

Nếu trước đây, gần như toàn bộ đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc nằm ở các giếng dầu và mỏ quặng, thì gần đây, doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu vươn lên bậc thang giá trị bằng cách mua lại các công ty phương Tây có tiếng tăm, hoặc mua lại và phục hồi các nhà máy đang gặp khó khăn, trong số này có những tên tuổi lớn của Mỹ. Tính đến nay, Trung Quốc đã đạt được khoảng 141 thỏa thuận Mua bán & Sáp nhập (M&A) quốc tế và trở thành nước có nhiều tập đoàn đa quốc gia hơn bất cứ quốc gia nào, trừ Mỹ.

Thương hiệu smartphone Huawei vươn lên vị trí thứ ba toàn cầu trong năm 2015 (Nguồn: Techpolicydaily)

Theo trang tin tức Nasdaq, các nhà đầu tư Trung Quốc đang tiến hành thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài hầu như trên mọi lĩnh vực, từ công ty công nghệ sinh học Thụy Sĩ Syngenta AG (43 tỉ USD), hãng điện tử gia dụng của General Electric (Mỹ), cho đến Starwood - công ty sở hữu loạt thương hiệu khách sạn nổi tiếng như Sheraton, Westin, W Hotels... Chỉ trong quý I/2016, các thỏa thuận của các công ty Trung Quốc với các đối tác nước ngoài đã lên tới 102 tỷ USD, gần bằng con số kỷ lục 106 tỉ USD của cả năm 2015. Riêng tại Mỹ, dự tính số tiền mà doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào trong năm 2016 khoảng 39 tỷ USD, nhiều gấp bốn lần năm 2015 và bỏ xa kỷ lục 11,8 tỷ USD của năm 2013.

Trong một thời gian ngắn, Mỹ chưa bao giờ lại mất nhiều thương hiệu quốc gia về tay Trung Quốc đến như thế. Tuy nhiên, vẫn ít bằng chứng ủng hộ quan điểm rằng doanh nghiệp Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ, dù nước này hiện đang giữ vị trí số 1 về xuất khẩu điện thoại thông minh và máy tính cá nhân. Theo tạp chí Foreign Affairs, “giá trị Trung Quốc” mới chỉ chiếm nhiều nhất là 15% tổng giá trị các sản phẩm công nghệ nói trên, các cấu phần công nghệ cao vẫn nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia phương Tây hay Nhật Bản mà doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phải bỏ ra số tiền lớn để mua lại. Với ưu thế về chi phí giá rẻ, hàng hóa Trung Quốc dễ dàng chiếm thị phần trên thị trường thế giới, nhưng công nghệ sẽ vẫn là hạn chế lớn nhất của các công ty Trung Quốc trong nhiều năm nữa.

Đặt cược mạo hiểm

Nhập cuộc “toàn cầu hóa” muộn, Trung Quốc đã quyết định theo đuổi một chiến lược đầu tư nước ngoài mạo hiểm. Hơn một nửa lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc nhắm tới các nước đang phát triển ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông với hàng hóa giá rẻ.

Trong tương lai, chiến lược đầu tư mạo hiểm của người Trung Quốc có thể thu được lợi ích lớn. Nhưng trước mắt, giới đầu tư phương Tây đang là các nhà đầu tư chủ yếu ở các nước phát triển ổn định với thứ hạng tín dụng cao hơn và việc họ đang kiếm lợi là vấn đề không còn phải bàn cãi. Hiện ngoài Mỹ, cả EU và Nhật Bản đều đầu tư nhiều hơn Trung Quốc vào Đông Nam Á và Mỹ Latinh.

Theo Foreign Affairs, trong cuộc chiến này, dù các “vụ thôn tính” của doanh nghiệp Trung Quốc thu hút sự chú ý nhiều hơn, nhưng kế hoạch đầu tư âm thầm của các công ty đa quốc gia phương Tây, Nhật Bản về máy móc chế tạo và công nghệ cao vẫn đang chiếm ưu thế. Cách làm của Trung Quốc có thể là cách tốt để đuổi kịp, nhưng sẽ không phải là con đường dẫn đến sự vượt trội. 

Công nghệ cao chiếm ưu thế

Những người ủng hộ quan điểm Trung Quốc chắc chắn sẽ thống trị nền kinh tế toàn cầu cho rằng, Trung Quốc là một cường quốc đang lên nhờ vào việc lập kế hoạch rõ ràng và các chiến lược thông minh. Tuy nhiên, cách nhìn đơn giản này đã không tính tới cách thức mà phần còn lại của thế giới sẽ phản ứng thế nào khi bị doanh nghiệp Trung Quốc lấn lướt.

Thực tế cho thấy, trước đây, khi nền kinh tế Trung Quốc là cỗ máy khổng lồ “ngốn” tài nguyên thiên nhiên, nhiều nhà phân tích đã lo lắng về sự tăng giá vĩnh viễn của hàng hóa cơ bản. Nhưng điều đó đã không xảy ra, hệ thống toàn cầu đã nhanh chóng thích nghi và giá cả hàng hóa cơ bản ngày nay nói chung rẻ hơn so với 20 năm trước. Trong một xu hướng tương tự, khi các công ty Trung Quốc vào được thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp phương Tây hiện tại sẽ sáng tạo, củng cố, và tạo ra các nguồn lực cạnh tranh mới.

Sức mạnh kinh doanh Trung Quốc có những điểm khác biệt và không phải là không vững chắc. Hiện tại thật khó để nhìn thấy hạn chế của các tập đoàn tư nhân ấn tượng như Huawei, Lenovo, Alibaba... Nhưng điểm yếu lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc lại là khu vực kinh tế nhà nước. Ngoài gánh nặng nợ trong nước gia tăng, đây bị cho là yếu tố đang bóp nghẹt các nguồn lực sáng tạo của thị trường.Như vậy, có thể nói rằng niềm tin vào sự thống trị tất yếu của kinh tế Trung Quốc là chưa có cơ sở. Trung Quốc đang mạnh dần lên, nhưng cuộc đọ sức giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với phần còn lại của thế giới còn xa mới rõ ràng, trong khi khả năng nổi trội về công nghệ cao sẽ chiếm ưu thế trong việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ định hình nên thị trường hàng hóa thế kỷ 21.