📞

Mắc 'chứng mù mặt', cô gái không thể nhận ra khuôn mặt của chính mình

Trà Xanh 09:17 | 29/10/2020
TGVN. Bạn có thể tưởng tượng khi nhìn vào gương và không nhận ra khuôn mặt của chính mình. Đó là những gì Lena, một cô gái 29 tuổi người Nga mắc chứng 'prosopagnosia'.
Lena không thể nhận ra khuôn mặt mình nếu không dùng 'mẹo'. (Nguồn: Instagram)

“Prosopagnosia” là một tình trạng hiếm gặp khiến người ta không thể nhận ra khuôn mặt, kể cả khuôn mặt của mình. Lena Ash chỉ biết mình đã bị chứng bệnh này vào năm ngoái. Trước đó, cô luôn cố gắng thuyết phục bản thân rằng mình chỉ đơn giản là chậm nhớ mặt hơn những người khác.

Ngay từ khi còn nhỏ, Lena đã gặp vấn đề về nhận dạng khuôn mặt và nói chuyện với bố mẹ về điều này nhưng không thực sự có tác dụng. Lena không đổ lỗi cho bố mẹ vì họ thậm chí còn không biết đến chứng bệnh như vậy tồn tại.

Ngay cả các bác sĩ thần kinh mà Lena đến để điều trị chứng đau đầu, đau nửa đầu, huyết áp thấp và buồn nôn cũng không thể tìm ra nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe của cô. Điều này khiến Lena cảm thấy hết sức xấu hổ.

Khi nói chuyện với ai đó, Lena có thể nhìn thấy khuôn mặt của họ rất rõ ràng, nhưng ngay khi họ rời khỏi tầm nhìn, cô sẽ quên mất họ trông như thế nào.

“Tôi sử dụng một số phương pháp bằng mẹo để nhận ra khuôn mặt của chính mình. Khi tôi nhìn vào gương hoặc một bức ảnh của mình, tôi có thể hiểu được đó là ai qua nốt ruồi trên lông mày, hình dạng chân tóc, vết sẹo trên cằm và hình dáng mũi. Tôi biết đặc điểm khuôn mặt mình và có thể lưu giữ chúng trong đầu”, Lena Ash nói.

Lena cũng làm như vậy với những người khác mà cô gặp, cố gắng tập trung vào một số đặc điểm không thể thay thế như nốt ruồi đáng chú ý, vết sẹo, hình xăm hoặc dáng mũi. Lena cố gắng không tập trung vào quần áo hoặc thậm chí là bộ râu vì điều này có thể thực sự gây nhầm lẫn. Ví dụ, chồng cô khi có và khi không có râu trông giống như hai người hoàn toàn khác nhau đối với Lena.

Cô gái trẻ người Nga nói rằng mình đã học cách nhận ra giọng nói của mọi người để phân biệt họ. Ví dụ, khi đón con trai từ trường mẫu giáo, đứa trẻ hét lên "mẹ ơi!" và điều này thực sự hữu ích đối với Lena. Cậu bé cũng có một chiếc ba lô màu cam sáng giúp Lena phân biệt được với những đứa trẻ khác trong trường.

Lena thừa nhận việc sống chung với chứng mù mặt không hề dễ dàng.

“Một số người coi tôi là kẻ kiêu ngạo vì tôi không chào họ khi chúng tôi đi ngang qua nhau trên phố, nhưng tôi chỉ đơn giản là không nhận ra họ”, Lena nói. “Một số người không tin khi tôi nói với họ về tình trạng của mình trong khi những người khác hiểu và hỏi tôi rằng tôi sống như thế nào mà không thể nhận ra khuôn mặt”.

May mắn thay, Lena đã tìm ra một khía cạnh tích cực của căn bệnh mù mặt. Đó là cô ấy không liên kết khuôn mặt của mọi người với những ký ức tiêu cực. Ví dụ, khi Lena làm nhân viên bán hàng và phải đối mặt với những khách hàng khó tính, người từng chửi thề và xúc phạm cô, Lena thậm chí sẽ không nhớ nếu họ quay lại vào ngày hôm sau trong một trang phục khác.

“Prosopagnosia” không có cách chữa trị và những người mắc phải chỉ có thể dựa vào một loạt các kỹ thuật để cải thiện trí nhớ. Tuy nhiên, những kỹ thuật này không hiệu quả với tất cả mọi người.

“Tôi ước gì các bác sĩ đưa ra một giải pháp giúp ổn định tình trạng của tôi, nếu không thể chữa khỏi”, Lena Ash nói. “Ví dụ, trí nhớ của tôi ngày càng giảm sút. Mỗi năm tôi đều xem lại bộ phim Harry Potter và có cảm giác như mình đang xem chúng lần đầu tiên.

Ngoài ra, thị lực của tôi đang giảm sút và tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với mình vào ngày mai. Tôi sợ rằng trong 10 năm nữa, tôi sẽ không thể nhận ra bất kỳ ai”.

(theo Dân trí/ODC)