📞

Mặc tranh chấp, khí đốt Nga vẫn hấp dẫn một số nước châu Âu, Gazprom tiết lộ khối lượng khủng

Việt An 17:43 | 18/11/2024
Kể từ ngày 15/11, dòng khí đốt từ Nga tới Áo đã bị tạm ngừng do tranh chấp về giá cả. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu khí đốt khác ở châu Âu đã nhanh chóng mua lại lượng khí đốt chưa được bán của Nga.
Nga vẫn đang 'bơm' một lượng lớn khí đốt cho Slovakia, Hungary và Cộng hòa Czech, dù nước này không có hợp đồng trực tiếp.(Nguồn: Gazprom).

Trước khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Moscow, khiến nước này mất đi phần lớn khách hàng tại khu vực.

Hiện tại, xứ bạch dương vẫn cung cấp một lượng lớn khí đốt cho Slovakia, Hungary và Cộng hòa Czech, dù nước này không có hợp đồng trực tiếp.

Một lượng dầu ít hơn vẫn được chuyển tới Italy và Serbia.

Ngày 16/11, Gazprom - tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga - ngừng cung cấp khí đốt cho tập đoàn năng lượng lớn nhất Áo - OMV.

Điều này diễn ra sau khi OMV cảnh báo giữ lại khí đốt của Gazprom như một phần bồi thường cho một phán quyết trọng tài về tranh chấp hợp đồng giữa hai bên.

Mặc dù nguồn cung khí đốt của Moscow tới Vienna vẫn bị gián đoạn vào ngày 17/11, song theo xác nhận của Gazprom, tổng lượng khí đốt Nga cung cấp qua Ukraine - tuyến trung chuyển chính tới EU - vẫn duy trì ở mức 42,4 triệu m³ mỗi ngày.

Đây là mức tương tự trước khi việc ngừng cung cấp khí đốt diễn ra ở Áo.

Thời gian đó, Áo tiếp nhận khoảng 17 triệu m³ khí đốt mỗi ngày từ Nga, và lượng khí đốt này đã được bán lại cho các người mua khác tại châu Âu.

Công ty năng lượng quốc doanh SPP của Slovakia cũng xác nhận vẫn nhập khẩu khí đốt từ Nga và cho biết nhu cầu với khí đốt Nga tại châu Âu vẫn cao.

Một nguồn tin cho biết, khí đốt từ xứ bạch dương vẫn rẻ hơn so với nhiều nguồn cung khác.

Vienna tiết lộ đã chuẩn bị cho khả năng Moscow dừng cung cấp khí đốt.

(theo Reuters)