📞

Mạng xã hội: Sẵn sàng sai sót vì lợi nhuận?

17:18 | 13/07/2018
Tuần qua, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam phát hiện Facebook đã đánh dấu sai vị trí hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.   

Cụ thể, khi truy cập vào bản đồ trong mục chạy quảng cáo của Facebook, nếu chọn khu vực là Việt Nam thì không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng khi chọn khu vực là Trung Quốc thì trên bản đồ lại xuất hiện hai quần đảo này. Sai sót của Facebook ngay lập tức đã bị cộng đồng mạng phản đối mạnh mẽ. Cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã yêu cầu Facebook sửa sai và xin lỗi người dùng.

Mặc dù ngay sau đó, Facebook đã ra thông cáo sửa sai và xin lỗi. Nhưng sự việc này một lần nữa cho thấy: các ông lớn công nghệ, trong đó có Facebook luôn sẵn sàng “nhầm lẫn” nếu có lợi cho phát triển thị trường, cho lợi nhuận để khi gặp phản ứng, thì lại sửa sai và xin lỗi. Những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với đội ngũ chuyên gia pháp lý, tư vấn đông đảo và siêu việt như Facebook, thì những lỗi “kỹ thuật”  hiển nhiên như thế, nếu không phải vì một mục đích hay sự cố tình làm sai rồi sửa, thì thật khó xẩy ra!

Facebook đã nhận lỗi và sửa sai, điều đó cho thấy thiện chí, sự tôn trọng người dùng Việt Nam và nghiêm túc tuân thủ các quy định chính họ đề ra. Thế nhưng, điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên các ông lớn công nghệ như Google (trước đây) hay Facebook mắc lỗi, xin lỗi và sửa sai. Dường như đây là một sự “nhập nhằng” và “linh hoạt” có chủ đích trong việc thực thi tôn chỉ mục đích mà họ vẫn thường tuyên bố rằng họ đứng ngoài các tranh chấp, đặc biệt trong những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ để mở rộng thị trường, gia tăng lợi nhuận.

Các mạng xã hội lớn hiện nay như Twitter, Facebook, Youtube ngày càng thu hút nhiều người sử dụng, trong đó có các chính trị gia. (Nguồn: The Wall Street Journal)

Hẳn nhiên khi đưa lên bản đồ định vị của mình, dù là quảng cáo, thì vị trí lãnh thổ các quốc gia, một vấn đề hết sức nhạy cảm, Facebook có thể đã có những cân nhắc. Nhưng trước sức nặng của một thị trường hơn 1 tỷ dân, mảnh đất màu mỡ mà Facebook hay bất cứ mạng xã hội nào cũng đang khao khát gia tăng thị phần và ảnh hưởng thì hẳn họ đã có những toan tính nhất định.

Thật dễ hiểu khi ông chủ Mark Zuckerberg của Facebook lại ra Thiên An Môn để chạy bộ mà không cần mang khẩu trang. Chắc chắn, ông vừa chạy vừa nghĩ về thị phần quảng cáo của Facebook ở Trung Quốc mới chỉ chiếm 10% doanh thu trên toàn cầu, tức khoảng 5 tỷ USD trong khi lượng người dùng thì vẫn còn khá hạn chế bởi những quy định và rào cản của chính quyền sở tại.

Cả Apple cũng vậy, nếu không phải là vì lợi nhuận, vì mở rộng ảnh hưởng, thì ông chủ Tim Cook đã không phải cất công đến tận Trung Quốc để phát biểu tại Hội nghị Internet Thế giới. Tỷ phú Larry Page của Google cũng đang đau đầu tìm cách tiếp cận sâu hơn vào thị trường lớn nhất nhưng cũng khó tính nhất thế giới này, kể cả việc phải “linh hoạt” trong “tuân thủ luật lệ và quy định địa phương”.

Thái độ “linh hoạt” có chủ đích trong thực thi quy định của các đại gia công nghệ như Facebook, Google trước các thị trường nhỏ, đã ổn định với thị trường khổng lồ, tiềm năng là rất khác nhau. Bởi thế, họ sẵn sàng tuân thủ luật lệ sở tại ở quốc gia này, nhưng lại hăng hái đấu tranh chống lại luật pháp, quy định ở một số nước khác. Họ sẵn sàng mắc lỗi với người sử dụng ở thị trường này nhưng lại cố chiều lòng người sử dụng ở thị trường tiềm năng khác.

Trước sức hút của lợi nhuận khổng lồ, thì cách ứng xử này của Facebook hay bất cứ các ông lớn công nghệ nào khác như trong vụ sửa sai vừa qua là điều có thể nhận biết. Đối với các mạng xã hội đang có ảnh hưởng lớn và dù có được gắn cho một cái mác tốt đẹp nào đi chăng nữa, thì mục tiêu lớn nhất của họ cũng chỉ là lợi nhuận. Vì thế, nếu họ có chủ ý làm sai, sửa sai rồi xin lỗi cũng có thể chỉ là những “thủ thuật” làm ăn mà thôi.

Nhưng với tầm ảnh hưởng, đặc biệt trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ nhạy cảm, thì những “lỗi kỹ thuật” như của Facebook vừa rồi sẽ có tác động nhất định, thậm chí có thể được lợi dụng để can thiệp vào các xung đột và tranh chấp quốc tế, đi ngược lại với tôn chỉ và quy định do chính họ đề ra.