Bức ảnh do Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) công bố vào ngày 5/11/2019, cho thấy các máy ly tâm tại cơ sở làm giàu uranium Natanz ở miền Trung Iran. (Nguồn: AP) |
Theo nguồn tin trên, các máy ly tâm thế hệ mới là IR2M, IR6 sẽ được lắp đặt tại 2 cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz của Iran.
Người phát ngôn Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại thuộc Quốc hội Iran, ông Abolfazl Amoui cho biết, việc lắp đặt những máy ly tâm này sẽ được hoàn tất và khí sẽ được bơm vào trong giới hạn thời gian đã được quy định theo đạo luật được Quốc hội Iran thông qua. Theo luật trên, AEOI sẽ sản xuất 120kg uranium được làm giàu ở cấp độ 20% trong vòng một năm.
Tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật "Kế hoạch hành động chiến lược của Iran nhằm chống lại các lệnh trừng phạt", trong đó yêu cầu Chính phủ nước này cắt giảm hơn nữa những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nếu Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
JCPOA được Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc cùng Đức) ký kết năm 2015. Tuy nhiên, thỏa thuận lịch sử này đang bên bờ vực sụp đổ sau khi năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Washington khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Đáp lại, Tehran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu uranium ở mức độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khôi phục JCPOA. Hiện Mỹ và Iran dường như đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước để cứu vãn thỏa thuận này. Iran cho rằng, Mỹ nên dỡ bỏ trừng phạt trước, trong khi Mỹ muốn Iran ngừng các hành động đáp trả mà Washington cho là vi phạm thỏa thuận trước.
Dự kiến, ban lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ tiến hành một phiên họp trong ngày 1/3 để thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran.