📞

Mất mạng vì uống rượu trắng chứa cồn công nghiệp

07:00 | 05/08/2016
 Điều nguy hiểm là bệnh nhân uống rượu trắng cứ nghĩ uống rượu như bình thường nên không nghĩ đến việc vào bệnh viện sớm. 

Vào viện chưa đầy một ngày, nam bệnh nhân 56 tuổi ở Sơn La đã được gia đình xin đưa về vì tổn thương não quá nặng, hôn mê sâu do ngộ độc methanol.

Trước đó đêm 1/8, sau khi uống rượu, bệnh nhân kêu đau đầu, nhìn mờ, gia đình đưa vào Bệnh viện Mộc Châu. Sau đó bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai.

Khi vào Trung tâm Chống độc, tình trạng của bệnh nhân rất nặng, huyết áp tụt, hôn mê sâu, não tổn thương rất nghiêm trọng. Vì thế, vào viện từ sáng đến trưa gia đình đã xin đưa ông về vì không thể cứu được.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân bị ngộ độc methanol - một loại cồn công nghiệp.

Ngộ độc methanol nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Thường các ca ngộ độc rượu thường tăng lên vào thời điểm trước và sau Tết. Tuy nhiên, thời gian gần đây Trung tâm liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc methanol.

Hiện Trung tâm đang cấp cứu 2 bệnh nhân cũng bị ngộ độc rất nặng. Trong đó có một bệnh nhân nam 54 tuổi, ở Thanh Hóa được chuyển đến Trung tâm vào ngày 31/7 trong tình trạng hôn mê, được mở nội khí quản thở máy, tổn thương não nặng, rối loạn chuyển hóa.

Trước đó 2 ngày bệnh nhân uống rượu, sau đó rơi vào hôn mê. Hàm lượng methanol trong máu trên 20 mg/dL đã là bệnh nặng, bệnh nhân này lại là 35,8 mg/dL.

Một bệnh nhân ngộ độc methanol điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Trường hợp thứ hai là một nam bệnh nhân 52 tuổi, ở Hải Dương. Ban đầu, bệnh nhân thấy mệt, ăn uống kém, sau đó thấy khó thở tăng dần, lơ mơ gọi hỏi không biết, xuất hiện cơn co cứng toàn thân. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Gia Lộc, sau đó được chuyển tiếp đến bệnh tỉnh và vào Trung tâm Chống độc vào ngày 28/7. Hàm lượng methanol trong máu rất cao 163mg/dL.

Theo bác sĩ Nguyên, tình trạng hai bệnh nhân đều rất nặng, việc điều trị sẽ còn kéo dài và chưa thể đánh giá được mức độ phục hồi sau tổn thương não. Cả hai đều có tiền sử nghiện rượu.

Hầu hết các trường hợp ngộ độc nặng đều do uống rượu trắng. Vì thế, rất có thể rượu tự nấu đã được pha thêm cồn công nghiệp hoặc thậm chí chỉ pha riêng cồn công nghiệp. Rượu tự nấu sẽ có thành phần này nhưng rất ít và không thể gây ngộ độc.

Bác sĩ Nguyên cho rằng, điều nguy hiểm là bệnh nhân uống rượu trắng cứ nghĩ uống rượu như bình thường nên không nghĩ đến việc vào bệnh viện sớm. Nhập viện càng muộn tình trạng ngộ độc càng nặng, bệnh nhân có thể bị mù lòa, tổn thương não, hôn mê kéo dài, thậm chí là tử vong. 

Say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong.

Để phòng ngộ độc rượu nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.