Bệnh nhân ngộ độc muối bạc (argyria) - Ảnh: skincareconceal.com |
Sự “nguy hiểm” của bạc
Trong lịch sử y học, việc chữa bệnh bằng bạc chưa ghi nhận một vụ tử vong nào nếu bệnh nhân chỉ chữa bằng “thuốc” bạc đơn thuần.
Trầm trọng nhất người ta chỉ nói tới bệnh argyria (ngộ độc muối bạc). Đó là bệnh sử dụng quá liều lượng trong thời gian dài các hợp chất của bạc khiến chúng tích tụ ở da, mắt và các cơ quan nội tạng.
Dưới ánh sáng mặt trời, các hợp chất của bạc bị phân huỷ thành bạc mịn, có màu đen (giống với hiện tượng phân huỷ muối bạc đưa đến ứng dụng trong ngành quay phim chụp ảnh đen trắng) khiến da người bệnh trở nên xanh xám (gọi là hiện tượng cường sắc tố - hyperpigmentation).
Tuy nhiên, cho tới nay số người mắc bệnh argyria chủ yếu nằm trong số những người già điều trị bằng bạc cách nay khoảng 60 năm, trước khi phát minh ra kháng sinh. Song những người này đã dùng muối bạc để trị bệnh, chứ không phải bạc keo hay bạc nano (Khi “phe” phản đối dùng bạc chữa bệnh đưa một người mắc bệnh da xanh lên đoạn clip để tố cáo sự nguy hiểm, “phe” ủng hộ bạc đã phản bác lại rằng bệnh nhân đó đã gần 90, chứng tỏ bệnh da xanh chỉ là hiện tượng mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ vì ông đã “sống chung” với bệnh argyria trên 60 năm mà vẫn khoẻ mạnh).
Ngoài bệnh argyria, có những hiệu ứng phụ khi uống trực tiếp dung dịch bạc như: đau đầu, mệt mỏi, khó tiêu. Người ta còn cho rằng có thể dẫn đến các bệnh về thận và gan. Nếu dùng bạc đồng thời với các chất kháng sinh tổng hợp (CKSTH) khác như quinolon, tetraxyclin, penixilamin thì do tương tác, nó giảm hiệu quả của những CKSTH này.
Để đánh giá sự nguy hiểm của các “thuốc” bạc, không gì hơn là lấy những số liệu so sánh với “đồng đẳng” của chúng là CKSTH.
Trong một bài báo mang tiêu đề gay gắt “Bạc keo, có hại mà không có lợi” (Colloidal Silver: Risk without benefits), tác giả chỉ phê phán những nhà sản xuất bạc keo không đúng chất lượng, mất vệ sinh và lẫn tạp chất, bán giá quá cao và quảng cáo phóng đại không đúng sự thật (nghĩa là về mặt xã hội chứ không phải về mặt khoa học). Bài báo cũng nêu ra 11 trường hợp người vì sử dụng chế phẩm bạc mà bị bệnh argyria, trong đó một người già 71 tuổi bị tử vong do... động kinh.
Những người ủng hộ bạc trong y học chứng minh (qua phỏng vấn) đó là những người dùng không đúng chỉ dẫn. Họ dẫn ra cứ liệu để so sánh: cùng thời gian đó, có 13.000 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện Hoa Kỳ đã chết vì dùng CKSTH trong khi vi trùng đã bị nhờn thuốc (Theo Newsweek, số 28/2/1994).
Bao nhiêu bạc thì bắt đầu có hại?
Chưa có sự trả lời dứt khoát cho câu hỏi này mà chỉ có những thông tin cho phép dự báo (Đây cũng là nhược điểm của y học dân gian như những người ủng hộ việc dùng bạc trong y học thừa nhận).
Những số liệu hiện có (do “y học hiện đại” đưa ra) chỉ đề cập đến muối bạc và bạc proteinat có hàm lượng bạc trong đó cao hơn nhiều so với bạc keo và bạc nano trong dung dịch nên không thể coi là “chuẩn” để đưa ra “độ độc” theo khái niệm của ngành dược. Độ độc ấy chính là độ độc mà nhẹ là bệnh argyria nói trên, nặng hơn là có hại với hệ thần kinh, các cơ quan nội tạng và hệ tim mạch nhưng không xác định được các “ngưỡng” bằng số đo.
Trong một công trình nghiên cứu trên loài vật, liều lượng gây tử vong khi tiêm cho chó “thuốc” bạc dưới dạng proteinat là 500mg đến 1,9 gam. Nếu quy ra dung dịch bạc keo trên người thì tương ứng sẽ là 150 đến 570 lít dung dịch bạc keo 10 ppm (hoặc 75 đến 285 lit bạc keo 20 ppm hoặc 50 đến 190 lit bạc keo 30 ppm) đối với một người đàn ông nặng 70kg. Theo các tác giả Goodman và Gillman, liều gây chết đối với người là 10 gam, là hàm lượng chứa trong 1.000 lít bạc keo 10 ppm. 1.000 lít là một lượng không ai có thể sử dụng nổi.
Trong những thí nghiệm nói trên, các tác giả đã tiêm cho một con chó nặng 23kg với liều 500mg Collargol, chứa 87% bạc và 12 giờ sau, con chó chết. Theo họ, nó vẫn không chết nếu tiêm đến liều lượng 1,3–1,5 gam làm nhiều lần trong thời gian 3 đến 7 ngày. Họ cũng suy ra người sẽ chết sau 2 giờ nếu tiêm vào tĩnh mạch 50mg Collargol.
Trong khi đó Cục Bảo vệ môi trường Mỹ EPA cũng đưa ra giới hạn tối đa của bạc trong nước uống là dưới 0,1 mg/l (tương đương dưới 0,1ppm). Cũng cần nói thêm rằng do cơ địa, có những người dị ứng với một kim loại nào đó và tất nhiên cũng có người dị ứng với bạc.
Nói chung, các số liệu về độ độc gây chết do các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đưa ra đều nằm trên rất xa liều lượng khuyến cáo sử dụng của những người chủ trương đưa bạc vào sử dụng trong y học.
Theo VNN