📞

Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang: Miền đá đã 'nở hoa'

QUỲNH ANH – MINH TÂM 18:00 | 10/08/2024
Hà Giang ghi dấu trên bản đồ du lịch Việt Nam không chỉ bởi núi non trùng điệp, kỳ vĩ, những cung đèo hiểm trở mà còn bởi lịch sử bi tráng và oai hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc tại mặt trận Vị Xuyên.
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ được xây dựng trên diện tích hơn 1.100m2 tại điểm cao 468. (Ảnh: Minh Tâm)

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Vị Xuyên là một trong những mặt trận khốc liệt nhất với sự hy sinh của hàng nghìn cán bộ chiến sĩ. Bởi vậy, mảnh đất này luôn mang lại những phút giây lắng đọng và bất ngờ trong hành trình của du khách…

Nhớ lại thời khói lửa

Nằm ở giữa lưng chừng núi Nậm Ngặt của xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, điểm cao 468 là trung tâm của mặt trận Vị Xuyên với chiến trường ác liệt nhất.

Trong suốt những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đóng quân ở Vị Xuyên đã ngày đêm anh dũng, mưu trí, kiên cường chiến đấu, quyết tâm giữ gìn từng mỏm đồi, vách núi, điểm cao, với tinh thần “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”.

Kết thúc chiến tranh, nhiều đoàn cựu chiến binh tại mặt trận Vị Xuyên đã quay lại chiến trường xưa để dâng hương tưởng nhớ đồng đội cũ. Từ năm 2015, họ đã cùng nhau quyên góp, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ để cho ra đời một công trình ý nghĩa tại nơi này.

Được xây dựng trên diện tích hơn 1.100m2 tại điểm cao 468, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên bao gồm một nhà tưởng niệm, đường dẫn lên nhà bia, nhà sắp lễ và một số công trình phụ trợ khác.

Đặc biệt, từ điểm cao 468, khách tham quan có thể bao quát được những điểm cao khác như 685, 772 và xa hơn là 1509 - nơi nhiều chiến sĩ đã nằm lại với đất mẹ trong cuộc chiến đấu kiên cường năm xưa.

Vào năm 2017, một gác chuông Đài hương 468 tiếp tục được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Gác chuông này luôn ngân vang ba hồi mỗi khi có khách tới làm lễ, dâng hương tưởng niệm, thể hiện sự tri ân về miền xa thẳm.

Ông Tạ Viết Trường, quản lý của địa điểm tâm linh này, cho biết hàng năm đền thờ đều tổ chức kỷ niệm ngày Giỗ trận lính Vị Xuyên (12/7) cách đây 40 năm, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.

Ông chia sẻ: “Thời điểm nào trong năm cũng có khách từ thập phương, đặc biệt là các cựu chiến binh đến thăm và dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại đây. Cả những cựu chiến binh hiện đã định cư nước ngoài mỗi khi có dịp đều dành thời gian đến thắp nén nhang cho đồng đội cũ. Họ luôn canh cánh trong lòng khi những đồng đội của mình còn nằm lại mảnh đất này”.

Hoa nở trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. (Nguồn: Người Lao động)

Cảm nhận sức sống hôm nay

Cũng theo lời kể của ông Tạ Viết Trường, những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, Vị Xuyên ngày càng “thay da đổi thịt”. Những đỉnh núi đá khi xưa bị vùi dập hàng nghìn quả đạn pháo trong một ngày, bị bạc trắng thì nay đã phủ đầy màu xanh của sự sống.

Đến Vị Xuyên hôm nay, du khách được đi qua những cung đường trải nhựa êm ái. Trên hành trình đó, họ không chỉ được nghe kể về những chiến công oai hùng của cha ông ngày trước, mà còn có dịp khám phá những điểm du lịch nổi tiếng để cảm nhận rõ vùng biên giới này đã “nở hoa” trên sỏi đá khô cằn.

Là ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc của Việt Nam, Tây Côn Lĩnh là điểm đến cho du khách ưa chinh phục mạo hiểm và mong muốn được ngắm trọn khung cảnh miền núi của Vị Xuyên - nơi có đồi chè, rừng nguyên sinh và những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ.

Thiên nhiên tươi đẹp ở hồ Noong. (Nguồn: Lao Động)

Đặc biệt, nằm ngay dưới chân núi, có một hồ nước ngọt được người dân bản địa gọi là hồ Noong. Sở hữu phong cảnh trữ tình, Hồ Noong có hệ sinh thái vô cùng đa dạng, thay đổi theo hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Khi mùa mưa đến, du khách có thể vừa ngồi thuyền, trò chuyện cùng dân bản địa, vừa ngắm nhìn cảnh sắc hoang dã nơi cao nguyên. Vào mùa khô, mực nước trong hồ giảm đáng kể, làm nổi bật vẻ đẹp nguyên sơ và hồng hoang nơi đây.

Một địa điểm khác không thể bỏ lỡ khi đến Vị Xuyên là quần thể hang Phương Thiện, nổi tiếng nhờ vẻ đẹp kỳ bí của các dãy đá, nhũ đá nhiều màu sắc, tạo nên dấu ấn riêng. Phương Thiện bao gồm nhiều hang động liên kết như hang Lăng Cô, hang Dơi… bao quanh bởi núi rừng và cây xanh mênh mông. Đặc biệt, với không gian rộng rãi và thoáng mát, du khách đến đây có thể trải nghiệm hoạt động cắm trại qua đêm để đắm chìm vào khung cảnh thiên nhiên.

Bên cạnh vẻ đẹp của miền sơn cước, Vị Xuyên còn có những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng khác như chùa Sùng Khánh, được công nhận là bảo vật quốc gia với những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt.

Tọa lạc tại thôn làng Nùng, xã Đạo Đức, ngôi chùa được thiên nhiên hậu thuẫn, ưu ái khi vị trí khá đắc địa: sau lưng được núi đỡ, trước mặt được ánh nắng Mặt trời chiếu rọi. Không gian tĩnh lặng, yên bình của ngôi chùa cho du khách cảm giác thư thái, an yên của chốn linh thiêng.

Không chỉ ẩn chứa những giá trị lịch sử, chùa Sùng Khánh cũng là một địa điểm tổ chức các lễ hội vùng cao. Mỗi năm, các bà con gần xa lại tụ họp về nơi này để cùng ăn mừng các lễ hội truyền thống như Lễ hội mùa Xuân, Lễ hội Lồng Tồng… Đây là dịp để người dân tạ ơn trời đất, mở mùa gieo trồng mới với ước vọng một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống yên lành, ấm no.

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên. (Ảnh: Minh Tâm)

Một địa chỉ đỏ để về nguồn

Khép lại hành trình về với Vị Xuyên, du khách không quên ghé thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên để dâng nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống mảnh đất này.

Được khởi công xây dựng từ năm 1990, nghĩa trang hiện là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ và mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tại nghĩa trang, có một bia đá khắc chín chữ vàng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Đây cũng là dòng chữ được khắc trên báng súng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (người dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và là lời thề của thế hệ những người lính đã chiến đấu can trường trên mảnh đất này.

Sau nhiều năm xây dựng và trải qua một số lần trùng tu, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên đã mang diện mạo mới; là địa chỉ đỏ ghi nhớ công ơn đối với những người con yêu quý từ nhiều nơi trên khắp đất nước đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn", nghĩa trang đã trở thành "ngôi nhà chung" của các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và các liệt sĩ thuộc 32 tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế trở ra.

Đến thăm công trình ý nghĩa như Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên hay Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, mỗi người đều hy vọng hương hồn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống sẽ được an nghỉ và tự hào khi chứng kiến sự hồi sinh diệu kỳ nơi miền đất biên ải của Tổ quốc.