Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Singapore mới đây, cựu Thủ tướng Australia John Howard cho rằng, Australia và Trung Quốc cần tìm ra điểm chung vì mối quan hệ kinh tế giữa hai bên là rất quan trọng.
“Điều tối quan trọng trong thời điểm khó khăn này, đặc biệt là trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, là phải thực hiện một cách tiếp cận cân bằng, phải cố gắng và tìm ra các lĩnh vực đạt được thỏa thuận chung”, ông Howard khẳng định.
Quan hệ Trung Quốc-Australia được dự báo sẽ "trượt dốc" trong thời gian tới nếu hai bên không có động thái cải thiện. (Nguồn: Global Times) |
Có thể nói, đây là thái độ tiếp cận duy lý và có phần thực dụng của vị cựu Thủ tướng đối với quan hệ Trung Quốc-Australia, đặc biệt là tại thời điểm quan hệ kinh tế song phương có khả năng trượt dốc xuống một mức thấp mới trong tương lai gần.
Xuất khẩu lúa mạch của Australia sang Trung Quốc trong niên vụ 2020-2021 được dự báo sẽ sụt giảm, trong khi đó, dữ liệu gần đây cũng cho thấy xu hướng đi xuống của bức tranh thương mại tổng thể giữa hai bên.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong tháng 8 năm nay, kim ngạch thương mại hàng hóa Trung Quốc-Australia giảm 15,2% so với tháng trước và giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc giảm gần 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng rạn nứt kinh tế ngày càng sâu sắc giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, các kênh đàm phán thương mại thông thường có thể không phù hợp với tình hình hiện tại, vì những lo ngại của thị trường về những căng thẳng thương mại trong tương lai chủ yếu xuất phát từ cuộc đối đầu chính trị kéo dài nhiều tháng.
Trong vài tháng qua, gần như tuần nào cũng xuất hiện những tin tức xấu về mối quan hệ song phương. Chẳng hạn như việc Australia được cho là đã theo dõi liên lạc của các nhà ngoại giao Trung Quốc với lý do can thiệp chính trị nước ngoài, chỉ vài ngày sau khi có tin tức cảnh sát Australia khám xét và thẩm vấn các nhà báo Trung Quốc.
Rõ ràng, chừng nào căng thẳng chính trị không còn gây tác động nghiêm trọng, hai nước mới có thể bắt đầu tìm kiếm điểm chung trong nền kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau.