Ngày 28/9, hãng tin Reuters đưa tin, tên lửa Buk đã được bắn từ làng Pervomaysk do lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine kiểm soát. Hệ thống tên lửa này được cho là do Nga cung cấp.
Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn lời nhóm điều tra của Hà Lan cho biết máy bay MH17 đã bị bắn hạ cách đây 2 năm ở miền Đông Ukraine là do một tên lửa Buk thuộc loại 9M83 được chuyển từ Nga.
Phản ứng trước những thông tin trên, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng dữ liệu radar của quân đội Nga cho thấy máy bay MH17 chắc chắn không bị bắn hạ bởi tên lửa phóng từ vùng lãnh thổ do lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014.
Ông nói: "Dữ liệu rất rõ ràng rằng... không có tên lửa nào. Nếu có, nó có thể đã được phóng đi từ một nơi khác".
MH17 bị bắn rơi khi đang trên hành trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur. (Nguồn: AFP) |
Ngày 17/7/2014, chuyến bay MH17 đang trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) thì bị rơi ở miền Đông Ukraine, khu vực đang ở trong tình trạng xung đột vũ trang. Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông đứng sau vụ việc này. Tuy nhiên, các tay súng ở miền Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng chính quân đội Ukraine đã bắn nhầm chiếc MH17.
Tháng 10/2015, Ủy ban An ninh Hà Lan công bố báo cáo điều tra cuối cùng về vụ rơi máy bay MH17, trong đó xác định máy bay đã bị trúng một tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất.
Phía Hà Lan không chỉ đích danh bên nào tại Ukraine đã bắn rơi máy bay này, nhưng khẳng định quả tên lửa được phóng từ khu vực miền Đông Ukraine, vốn do lực lượng đòi độc lập kiểm soát.
Điều này ngược với kết luận từ phía hãng Almaz-Antey của Nga sản xuất tổ hợp tên lửa Buk. Hãng này nói rằng máy bay đã bị bắn hạ bằng tên lửa phóng đi từ vùng lãnh dưới quyền kiểm soát của quân đội Ukraine, đồng thời khẳng định nếu tên lửa được bắn đi từ làng Snezhnoye như kết luận của Hà Lan, nó sẽ không thể trúng mạn trái của máy bay.