📞

Máy bay Trung Quốc chớp thời cơ từ khủng hoảng của Boeing

21:05 | 19/03/2019
Mẫu máy bay mới của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) có khả năng cạnh tranh với Boeing 737 Max 8 hay Airbus20neo có thể là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm xây dựng một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ toàn diện, cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn lớn của phương Tây.

Kế hoạch tham vọng

Hai vụ tai nạn với cùng một dòng máy bay Boeing 737 Max, xảy ra trong thời gian ngắn đã khiến cả phi công, hành khách, kỹ sư và giới phân tích trong ngành chú ý. Với Boeing, đây là vấn đề rất quan trọng, vì 737 rất được các hãng bay toàn cầu ưa chuộng và 737 Max thân hẹp là máy bay bán chạy nhất của họ từ trước đến nay. Đến cuối tháng 1, Boeing đã giao hơn 350 chiếc và còn hơn 5.000 chiếc đang sản xuất theo đơn đặt hàng. Giá niêm yết mỗi máy bay vào khoảng 120 triệu USD.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh trong hoạt động sản xuất và bán máy bay đang ngày càng khốc liệt, những rắc rối “bủa vây” Beoing thời gian qua đã tạo cơ hội cho đối thủ lâu năm của hãng này là Airbus có cơ hội ghi điểm. Ngoài ra, theo Bloomberg, bên cạnh Airbus, các hãng hàng không giờ đây sẽ có thêm một lựa chọn khác ngoài Boeing: Chính phủ Trung Quốc. Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) đang chế tạo C919 – mẫu máy bay chở khách thân hẹp với sức chứa khoảng 170 người. Hiện Comac đã có hơn 800 đơn đặt hàng trên toàn thế giới.

Mẫu máy bay mới được đánh giá có khả năng cạnh tranh với Boeing 737 Max 8 cũng như dòng máy bay đang bán chạy Airbus20neo. Đây có thể là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm xây dựng một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ toàn diện, cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn lớn của phương Tây.

Comac đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay thử nghiệm của dòng C919 năm 2017 và nhận được tất cả 815 đơn đặt hàng từ 28 khách hàng trên toàn thế giới. (Nguồn: Bloomberg)

Trung Quốc đã yêu cầu ngừng sử dụng dòng máy bay Max 8 chỉ vài giờ sau vụ tai nạn của Hãng hàng không Ethiopia dẫn đến làn sóng cấm sử dụng dòng máy bay này trên toàn cầu. “Rắc rối của Boeing đã tạo cơ hội cho Comac thế chân”, Chad Ohlandt, một kỹ sư cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Rand Corp (Washington, Mỹ) nhận định. “Nếu có một kế hoạch khôn ngoan, họ có thể tiếp cận 10 hãng hàng không đang cân nhắc mua máy bay thân hẹp”, ông Ohlandt nói.

Comac đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay thử nghiệm của dòng C919 năm 2017 và nhận được tất cả 815 đơn đặt hàng từ 28 khách hàng trên toàn thế giới.

Dường như tham vọng của Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở C919. Comac đang hợp tác với Tập đoàn United Airplane có trụ sở tại Moscow (Nga) để phát triển dòng máy bay thân rộng CR929, có khả năng bay các tuyến đường dài từ Bắc Kinh đến New York. Các doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc đang phát triển một loạt mẫu máy bay, bao gồm cả máy bay thân rộng, phản lực thương mại, trực thăng, thủy phi cơ… “Sản xuất máy bay và phát triển ngành hàng không là một chiến lược quốc gia”, Yu Zhanfu, một chuyên gia tại Roland Berger Strategy - công ty tư vấn chuyên về ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng tại Bắc Kinh, cho biết.

Theo ông Yu Zhanfu, quốc gia nào có ngành sản xuất hàng không đạt quy mô kinh tế, toàn bộ chuỗi công nghiệp nhờ đó sẽ được nâng cấp. Trong một tuyên bố đưa ra vào tháng 11/2018, Comac dự báo, thị trường hàng không của Trung Quốc sẽ giao 9.000 máy bay, trị giá 1.300 tỷ USD trong vòng 2 thập kỷ tới. Khoảng 2/3 số máy bay này là dòng máy bay một lối đi như Boeing 737 và C919.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Có trụ sở tại Thượng Hải, Comac hiện đang xây dựng một trung tâm đào tạo cho kỹ sư bảo trì, tiếp viên hàng không và đội ngũ nhân viên cho các hãng hàng không sẽ sử dụng hai dòng máy bay C919 và CR929. Đánh giá về sự chuẩn bị của Trung Quốc, ông Marc Szepan, Giảng viên Kinh doanh quốc tế thuộc Trường kinh doanh Said (Đại học Oxford, Anh Quốc) nhận định: “Họ đang triển khai 4, 5 thậm chí 6 chiến lược cùng một lúc. Họ đang vận hành hết tốc lực”.

Trên thực tế, Comac và Boeing đang là đồng sở hữu một trung tâm lắp ráp đặt ở phía Nam Thượng Hải, được khai trương vào tháng 12 năm ngoái sau khi bàn giao một chiếc Boeing 737 Max 8 cho Hãng hàng không Air China. Những nỗ lực của Trung Quốc đang đặt Beoing vào thế khó xử khi buộc phải cạnh tranh ngay với một trong những đối tác của mình. Một máy bay khác của Comac, chiếc máy bay ARJ21 cũng đang là đối thủ cạnh tranh với máy bay được sản xuất bởi Embraer SA – một hãng sản xuất đang thành lập một liên doanh với Boeing.

Máy bay ARJ21 - một dòng máy bay khác của Comac. (Nguồn: Dfic.cn)

Hiện những khách hàng của Comac chủ yếu vẫn là các hãng hàng không nhỏ như Chengdu Airlines hay Genghis Khan Airlines. “Comac là một đối thủ cạnh tranh tuyệt vời và chúng tôi tôn trọng họ. Họ cũng là những đối tác rất tốt”, đại diện Boeing cho biết trong một email gửi tới Comac. Theo Bloomberg, hiện thị trường Trung Quốc đang chiếm khoảng 14% doanh thu của hãng.

Dù có nhiều tiềm năng nhưng kế hoạch tham vọng của Bắc Kinh không phải không có trở ngại. Yong Teng, một chuyên gia thuộc Công ty tư vấn L.E.K tại Thương Hải cho rằng, máy bay Trung Quốc phần lớn đều không có hồ sơ theo dõi an toàn như các nước phương Tây. Quan trọng hơn, chưa có công ty Trung Quốc nào đủ khả năng thiết kế và sản xuất động cơ cho máy bay phản lực thương mại. Động cơ của C919 cũng đang được sản xuất bởi CFM International, một công ty liên doanh của General Electric và Safran SA của Pháp.

Trong khi đó, những lùm xùm xung quanh việc Mỹ cáo buộc 2 công dân Trung Quốc đánh cắp các thông tin liên quan đến đến động cơ máy bay thương mại vào tháng 10/2018 vẫn chưa ngã ngũ. Phía Mỹ cũng đã tiết lộ các cáo buộc liên quan đến một người bị tình nghi là điệp viên Trung Quốc và cáo buộc người này âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty hàng không và hàng không vũ trụ Mỹ.

Dù Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc, ông Nicholas Eftimiades, giảng viên tại Trường Quan hệ Công chúng tại Đại học Bang Pennsylvania ở Harrisburg lại cho rằng: “Công nghệ hàng không vũ trụ là mục tiêu số 1 cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc”. Sự thật thế nào, chắc sẽ còn tồn nhiều giấy mực của báo giới.

(theo Bloomberg)