📞

MC. Lê Anh: Nhiều bạn trẻ trễ nải học tập nhưng đang “cúng” Facebook chăm chỉ

10:54 | 06/07/2019
TGVN. Chia sẻ với báo TG&VN, Tiến sĩ, MC. Trịnh Lê Anh cho biết, qua quan sát thấy nhiều sinh viên rất lười tham gia sinh hoạt chính khoá và ngoại khoá trong khi vô cùng chăm chỉ “nuôi Facebook”, “cúng Facebook”, “up Facebook”, sống ảo đúng nghĩa…    
Theo MC. Lê Anh, mạng xã hội mà cụ thể là Facebook chính là nơi giới thiệu, nơi PR hình ảnh bản thân nên hãy cẩn thận với nó. (Ảnh: NVCC)

Từ trải nghiệm của bản thân, Tiến sĩ nhận định ra sao về mạng xã hội?

Một cách rất tự nhiên, mạng xã hội làm cho chúng ta, khi trở thành cư dân mạng, thấy bản thân mình thú vị hơn rất nhiều, có vai trò, ảnh hưởng hơn, có đời sống tình cảm phong phú hơn, có hình thức và phong cách, ngôn ngữ đa dạng và khác biệt hơn chính mình của đời thực.

Trong khi đó, các thao tác “sống” tại thế giới mới này thật đơn giản trong hiện thực: gõ phím, lướt màn hình với một số hiểu biết cơ bản. Vì thế, tôi nhận thấy bản thân mình không bị “nghiện” mạng xã hội mới là lạ.

Tuy nhiên, mạng xã hội mà cụ thể là Facebook chính là nơi giới thiệu, nơi PR hình ảnh bản thân nên hãy cẩn thận với nó. Người ta có thể truy ngược dòng thời gian để xem bạn đã làm gì với nó, những gì bạn không muốn cho người khác biết, bạn đừng đưa lên Facebook.

Lợi ích và hấp dẫn như thế, nhưng trên thực tế, nhiều bạn trẻ trở nên rụt rè, thiếu tự tin, không có nhiều trải nghiệm hay kỹ năng thực tế chỉ vì dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, ít khám phá thế giới thực bên ngoài. Từ đó, khiến con người rơi vào tình trạng sống ảo, thiếu kỹ năng mềm. Anh bình luận gì về thực trạng này?

Cần phải khẳng định, mọi sự lạm dụng đều dẫn đến hiệu quả ngược, tức là những ảnh hưởng tiêu cực. Trước đây, chúng ta đã bàn rất sôi nổi của việc lạm dụng game online, bây giờ chúng ta nhắc đến trạng thái nghiện thực sự mạng xã hội.

Là một người dẫn chương trình, một giảng viên đại học, gặp gỡ với nhiều bạn trẻ, tôi để ý thấy mỗi “công dân mạng” dường như có 2 con người: người thực và người ảo!

Trong nhiều trường hợp, hai con người này khác nhau đáng kinh ngạc: người thật ăn mặc rất tuỳ tiện, người ảo rất đẹp, chăm chút hình thức và tỏ ra rất có gu thời trang; người thật ít nói, e dè, không tự tin giao tiếp, người ảo rất “mạnh mồm” phát ngôn và thể hiện mình trên mạng; người thật ngoan, hiền, chỉn chu, người ảo liên tục chửi, văng bậy và tỏ ra bạo lực trên mạng xã hội...

Thực trạng này cũng cho thấy một nguy cơ khi sức mạnh từ cộng đồng mạng gia tăng khó kiểm soát kéo theo những hành vi xấu, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống thực: con người cực đoan hơn, vội vàng đánh giá và phán xét hơn, can thiệp vào sự riêng tư nhiều hơn và ít chịu trách nhiệm hơn về lời nói và hành động của mình.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã tổng kết những vấn nạn mà chính họ nhận thức được hiện tại, trong đó có “Hate Speech” (phát ngôn thù hận) và dò dỉ thông tin cá nhân là những vấn đề mà chính Facebook đang đau đầu tìm cách ngăn chặn nhưng chưa có phương cách hữu hiệu. Rõ ràng, học cách sử dụng mạng xã hội một cách thông minh cũng là một kỹ năng mềm quan trọng!

Do nguồn thông tin trên mạng không được giám sát, kiểm duyệt chặt chẽ, tràn lan nhiều thông tin sai lệch, văn hóa phẩm đồi trụy, trong khi giới trẻ còn chưa đủ nhận thức để sàng lọc thông tin. Từ đó, dễ dẫn đến nhận thức lệch lạc, kéo theo hành động sai lầm. Anh có thể chia sẻ những câu chuyện, những nạn nhân của mạng xã hội mà anh biết?

Tôi nhớ đến một vài trường hợp trong chương trình “Người giấu mặt” trên ANTV mà tôi dẫn trong hơn một năm qua. Nhân vật của tôi là những người có những trải nghiệm đặc biệt, phần lớn là tiêu cực và rất khó khăn để bộc lộ, chia sẻ nó trên sóng truyền hình. Do đó họ phải “giấu mặt”.

Đó là một nhân vật nghiện game và phim online. Từ một sinh viên thủ khoa đầu vào của Đại học Kinh tế, chỉ vì nghiện game, nghiện phim và mạng xã hội, chàng trai trẻ ấy đã bỏ học, chạy theo những giao dịch từ những cuộc chơi online, rồi tan vỡ hạnh phúc gia đình khi cô vợ mới cưới buộc phải bỏ vì cậu ấy ngập ngụa trong lối sinh hoạt bê tha, vô trách nhiệm với bản thân và gia đình.

Nguyên nhân do chính cậu ấy chia sẻ chính là sự thiếu tương tác xã hội thật suốt thời đi học - lúc hình thành kỹ năng thật, đặc biệt là những năm học trung học. Bố mẹ quá nuông chiều, bao bọc, chu cấp nên cậu chỉ biết học để thi đại học có kết quả tốt nhất. Đến khi xa gia đình nhập học đại học, sự lôi kéo của bạn bè vào một thế giới ảo vô cùng hấp dẫn đã đưa cậu ấy đi đến chỗ không kiểm soát nổi hành vi, nhận thức cũng thay đổi và vô cùng khó khăn để thoát nghiện và trở về làm lại từ đầu.

Quan sát sinh viên của mình ở môi trường giảng dạy, tôi thấy nhiều em luôn trễ nải việc học và thực hiện bài tập, rất lười tham gia sinh hoạt chính khoá và ngoại khoá trong khi vô cùng chăm chỉ “nuôi phây”, “cúng phây”, “up phây”, sống ảo đúng nghĩa. Nhiều em đã coi trọng những giá trị ảo, sống duy hình thức hơn và thể hiện chính kiến một cách không cân nhắc.

Thực sự đáng lo ngại khi có một bộ phận không nhỏ đang quan tâm thái quá (tôi nhấn mạnh chữ “thái quá”) đến việc kiếm tiền online, khao khát làm youtuber, hay đam mê bán hàng online, dù họ đang trên đường trờ thành những cử nhân khoa học đầy tiềm năng bổ sung cho nguồn trí thức bậc cao của đất nước.

Thời gian vừa qua, chúng ta thấy có không ít người trở thành nạn nhân của mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng người Việt đang “hà khắc” với nhau trên mạng xã hội. Quan điểm của anh về chuyện này ra sao?

Vẫn là câu chuyện về “văn hoá bình luận” và “khát vọng nổi tiếng”, cho thấy tương tác ảo trên mạng lại gây ảnh hưởng thật đến cuộc sống của chúng ta. Nếu không muốn nổi tiếng, cô gái sẽ không cần khoe ảnh trên mạng; còn cộng đồng mạng khi đã coi bình luận, share, like là hành động sống thì họ không thể tự kiềm chế mức độ của “Hate Speech”...

Vậy ai thực sự là nạn nhân của mạng xã hội? Theo tôi, đó phải là nạn nhân của việc sử dụng mạng xã hội không hợp lý: cả người nổi tiếng vô tình hay cố ý trong trường hợp trên, cả những người đang tự tha hoá bản thân khi tham gia vào trào lưu “Hate Speech”.

Từ thực tế đó, Tiến sĩ muốn truyền thông điệp gì đến các bạn trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội một cách thông minh?

Tôi đã và đang coi mạng xã hội là một phần cuộc sống của mình và đôi khi cũng thấy vì nó mà mất đi thời gian “sống thực” nhiều quá. Tuy nhiên, tôi vẫn đang cân bằng giữa lợi ích mang lại từ mạng xã hội và những cái giá phải trả từ việc dành quan tâm để “sống ảo”!

Nếu như có một lời chia sẻ với các bạn trẻ, tôi cho rằng mỗi người hãy sử dụng mạng xã hội để tạo lập thương hiệu cá nhân của bạn một cách tích cực và trong đời thực thì cố gắng tu dưỡng, rèn luyện và học tập để trở thành con người đó. Mạng xã hội nên được dùng một cách hữu hiệu để nắm bắt và chia sẻ thông tin, kết nối với các nhóm, cá nhân phục vụ cho công việc và cuộc sống của bạn.

Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, nhưng quan trọng là vai trò tự thân của mỗi cá nhân, nói đúng hơn là người sử dụng phải là bộ lọc của chính mình?

Suy cho cùng, bản thân mạng xã hội không hề xấu mà quan trọng là cách thức sử dụng của mỗi người cho mục đích riêng. Không phải ai vào thế giới ảo cũng tốt, cũng sống thật và ngược lại. Chỉ duy nhất một điều, đằng sau chữ “ảo” là chữ “thật”, là những con người thật mang cảm xúc yêu thương thật và tổn thương cũng rất thật. Sau thế giới ảo là những mối quan hệ, những tình bạn đổ vỡ, là lòng tin không còn. Vì vậy, ảo không có nghĩa là không có thật.

Luật An ninh mạng với một vài điểm nhấn như: Nghiêm cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang trên mạng; Ngừng cung cấp dịch vụ mạng khi có yêu cầu của cơ quan chức năng; Thông tin vi phạm trên mạng bị xóa bỏ trong vòng 24 giờ… chắc chắn sẽ khiến những người có nhận thức và hành vi xấu khi sử dụng mạng xã hội phải… chùn bước!

Xin cảm ơn Tiến sĩ!