CEO Meta Mark Zuckerberg giới thiệu avatar của mình trong metaverse. (Nguồn: Facebook) |
Ngày 29/10 vừa qua, phát biểu tại hội nghị thực tế ảo Connect của Facebook, CEO Mark Zuckerberg thông báo, công ty Facebook chính thức đổi tên thành Meta, trong khi đó ứng dụng Facebook vẫn được giữ nguyên tên.
Ông Zuckerberg cho biết, việc đổi tên thương hiệu không chỉ đánh dấu sự thay đổi với những tham vọng của riêng Facebook, mà là tham vọng thay đổi toàn bộ Internet. Tại sự kiện này, nhà sáng lập Facebook đã thông báo về tầm nhìn mới của Meta, đó là xây dựng một vũ trụ số (metaverse).
“Chúng tôi tin rằng, metaverse – hay siêu vũ trụ số - sẽ là sự kế thừa của Internet di động, chúng ta sẽ có thể cảm thấy như gặp nhau ở hiện tại – giống như chúng ta đang ở ngay đây với mọi người – bất kể khoảng cách giữa chúng ta là bao xa”, ông Zuckerberg nói.
Tương lai của Internet
Thuật ngữ metaverse là sự kết hợp của từ meta (tạm dịch: vượt ra ngoài) và universe (vũ trụ). Thuật ngữ này được nhà văn khoa học viễn tưởng người Mỹ Neal Stephenson sử dụng lần đầu tiên trong tiểu thuyết Snow Crash, xuất bản năm 1992. Metaverse xuất hiện từ rất lâu nhưng phải cho đến khi đại dịch bùng nổ thì khái niệm này mới được biết đến rộng rãi.
Metaverse là một định nghĩa còn khá xa lạ với cộng đồng mạng hiện tại, tuy nhiên đối với những người dùng điện tử thì metaverse có thể được xem là một thế giới được xây dựng để người chơi có thể sống ở trong đó.
Trên thực tế, metaverse là nơi thế giới vật lý và kỹ thuật số kết hợp với nhau. Đó là không gian nơi nhân vật đại diện (avatar) của mọi người có thể tương tác tại nơi làm việc, giải trí, gặp gỡ tại văn phòng của nhau, đi xem hòa nhạc và thậm chí là thử quần áo.
Trung tâm của Metaverse là môi trường thực tế ảo - một thế giới kỹ thuật số mà bạn có thể bước vào thông qua bộ kính thực tế ảo (VR) Oculus của Facebook và sự kết hợp của thực tế tăng cường (AR).
Trong phát biểu hồi tháng trước, Nick Clegg - Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook cho biết, metaverse sẽ là loạt các thế giới liên kết với nhau, nơi người dùng có thể di chuyển từ khu vực của Facebook một cách dễ dàng sang một thế giới liền kề được tạo ra bởi các công ty công nghệ khác như Google, Apple hoặc một nhà xuất bản trò chơi điện tử lớn.
Ngoài ra, ông Vishal Shah, người phụ trách các sản phẩm metaverse của Facebook, cũng cho rằng: “Thương mại sẽ là một phần lớn của metaverse. Người dùng sẽ bán cả các sản phẩm vật lý lẫn các sản phẩm số hóa ở đó”.
Để thực hiện được tham vọng này, những năm qua, Facebook đã chi hàng tỷ USD mỗi năm để phát triển vũ trụ ảo. Ông lớn mạng xã hội cũng cho biết, việc đầu tư vào bộ phận Facebook Reality Labs, nơi công ty phát triển về AR và VR, khiến công ty mất khoảng 10 tỷ USD trong năm 2021. Đây là một số tiền khổng lồ, nhưng không hề khó đối với Facebook khi họ thu được lợi nhuận 29 tỷ USD chỉ trong năm 2020.
Còn đó lo ngại
Dù việc đổi tên và định hướng tương lai nhận được sự quan tâm sát sao của thế giới, nhưng thời gian qua, Facebook đang đối mặt với khá nhiều chỉ trích từ các nhà lập pháp và cơ quan quản lý về sức mạnh thị trường, các quyết định về thuật toán và việc kiểm soát các hành vi lạm dụng trên các nền tảng của mình.
Trong cuộc tranh cãi mới nhất, một người tố giác - cựu nhân viên Facebook Frances Haugen làm rò rỉ các tài liệu mà cô cáo buộc cho thấy công ty chọn lợi nhuận hơn sự an toàn của người dùng. Tuy nhiên, ông Zuckerberg nói rằng, các tài liệu đã được sử dụng để tạo nên một “bức tranh giả”.
Cũng tương tự các mạng xã hội hiện nay, mối quan tâm lớn nhất bao trùm lên các siêu vũ trụ số này vẫn là quyền riêng tư và bảo mật cho người dùng – đặc biệt là khi đây có thể là nơi diễn ra hầu hết hoạt động của người dùng trong tương lai.
Trước tình hình đó, Facebook thông báo đã dành ra một chương trình đầu tư trị giá khoảng 50 triệu USD để đảm bảo metaverse sẽ được xây dựng một cách có trách nhiệm. Ngân sách này sẽ được phân bổ cho các tổ chức và học viện nghiên cứu bao gồm Đại học Quốc gia Seoul và cộng đồng Women in Immersive Tech.
Ngoài ra, Facebook không phải là cái tên duy nhất đang phát triển vũ trụ ảo. Các công ty khác như Microsoft hay nhà sản xuất chip Nvidia cũng đang đổ tiền đầu tư cho các dự án metaverse.
Richard Kerris, Phó Chủ tịch nền tảng Omniverse của Nvidia cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng, sẽ có rất nhiều công ty xây dựng thế giới ảo và môi trường trong metaverse, ương tự như cách nhiều công ty đang hoạt động trên World Wide Web”.
Các công ty trò chơi điện tử cũng đang tích cực tham gia vào vũ trụ ảo. Epic Games, công ty sản xuất trò chơi được ưa chuộng Fortnite, huy động được 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư để thực hiện các kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng metaverse. Trong khi đó, nền tảng trò chơi Roblox đã vạch ra tầm nhìn về metaverse như một nơi “mọi người có thể đến với nhau trong hàng triệu trải nghiệm 3D để học hỏi, làm việc, giải trí, sáng tạo và giao lưu”.
Ông Clegg từng nói, Meta sẽ cần 10 năm để phát triển vũ trụ ảo. Hiện vẫn còn quá sớm để có thể nói rằng liệu Meta sẽ thành công trong tương lai hay không.
| Facebook đổi tên thành Meta để... đổi vận? Ngày 28/10, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố, công ty truyền thông xã hội và công nghệ ... |
| Lộ doanh thu hàng quý tăng 37%, giá cổ phiếu của Twitter tăng 3% Thông tin doanh thu hàng quý của Twitter tăng 37% đạt 1,3 tỷ USD đã giúp giá cổ phiếu của mạng xã hội này tăng ... |