Các Ngoại trưởng của Canada và Mexico đã đưa ra nhất trí trên trước các cuộc đàm phán lại liên quan tới NAFTA do Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy, dự kiến sẽ được khởi động vào tháng 8 tới.
Trước đó, ông Donald Trump đã cam kết xem xét lại các thỏa thuận thương mại nhằm điều chỉnh các điều khoản có lợi hơn cho thị trường việc làm và lĩnh vực công nghiệp của Mỹ. Động thái này đã gây quan ngại cho các quốc gia láng giềng của Mỹ.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland trong cuộc họp báo về NAFTA sau cuộc họp với Ngoại trưởng Mexico tại Mexico, ngày 23/5. (Nguồn: Reuters) |
Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, cho biết, Nhà Trắng vẫn chưa quyết định rằng liệu các cuộc đàm phán lại về NAFTA sẽ được tiến hành ba bên hay sẽ chỉ tiến hành giữa Mỹ với từng quốc gia riêng lẻ. Từ ngày 18/5, Mỹ cũng đã chính thức khởi động cơ chế tham vấn về NAFTA và sẽ kéo dài trong 90 ngày. Ông Wilbur Ross cho biết sẽ thông báo với Quốc hội và các đối tác thương mại của Mỹ về tiêu chuẩn mới đối với thương mại công bằng và tự do.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada, Chrystia Freeland, nhấn mạnh: "Để đạt được một thỏa thuận ba bên, cần phải tiến hành các cuộc đàm phán ba bên". Hai nước đang mong đợi giải quyết các tranh cãi về NAFTA liên quan tới các mặt hàng như gỗ của Canada và mía đường của Mexico.
Theo một diễn biến liên quan, Annemarie Pender, người phát ngôn của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, mới đây cho biết, cơ quan này ủng hộ việc giữ nguyên các quy định nguồn gốc xuất xứ trong NAFTA. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với ý kiến mà ông Eduardo Solis, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Mexico đưa ra trước đó.
Trong khuôn khổ NAFTA, quy định về nguồn gốc xuất xứ yêu cầu cần đảm bảo tỷ lệ nội địa (ở khu vực) tối thiểu để được miễn thuế quan. Theo ông Solis, NAFTA là một thành công và không nên thay đổi quy định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Quy định nguồn gốc xuất xứ của NAFTA đóng vai trò quan trọng trong việc tạo giá trị và hội nhập ngành công nghiệp ô tô ở Bắc Mỹ.