📞

Mìn bay thông minh của Hải quân Mỹ

Lê Ngọc 11:36 | 27/05/2020
TGVN. Có thể National Interest hơi cường địêu khi nhận định “mìn bay thay đổi bộ mặt chiến tranh biển mãi mãi”, nhưng sự thật là mìn biển có những bước tiến mang tính cách mạng.    
Mìn bay thông minh của Hải quân Mỹ. (Nguồn: Nav Sea. Navy)

Mìn biển, sát thủ thầm lặng

Mìn biển (còn gọi là thủy lôi, mìn nước, mìn thủy, mìn hải quân) là một thiết bị nổ được đặt trong nước để làm hỏng hay phá hủy tàu mặt nước hoặc tàu ngầm. Với chi phí thấp, mìn được sử dụng làm vũ khí tấn công để đánh chìm cả tàu buôn và tàu quân sự hoặc phòng thủ, phong tỏa sông, hồ, cửa sông, các tuyến đường vận chuyển quan trọng trên biển và đại dương, hay ngăn cản các hoạt động vận chuyển của địch, và cũng có thể được sử dụng làm công cụ chiến tranh tâm lý.

Các bãi mìn được thiết kế cho hiệu ứng tâm lý thường được đặt trên các tuyến hàng hải thương mại để ngăn chặn tàu tiếp cận một quốc gia kẻ thù. Trong tác chiến, các bãi mìn phòng thủ bảo vệ bờ biển trải dài để ngăn tàu mặt nước và tàu ngầm của đối phương, buộc chúng vào các khu vực dễ phòng ngự và có hỏa lực dày đặc hơn, hoặc tránh xa các khu vực nhạy cảm. Không giống như các khối thuốc nổ sâu (được thả để tiêu diệt tàu ngầm), mìn được đặt và lưu lại cho đến khi chúng được kích hoạt.

Những sát thủ thầm lặng này có thể được kích hoạt bằng nhiều cách khác nhau - tiếp xúc vật lý trực tiếp, thông qua tín hiệu từ tính hoặc âm thanh, địa chấn hay áp lực của nạn nhân… Việc vô hiệu hóa chúng rất khó và tốn nhiều thời gian. Các mìn hiện đại chứa chất nổ mạnh phát nổ bởi các cơ chế ngòi điện tử phức tạp hiệu quả hơn nhiều so với các loại mìn dùng thuốc súng trước đây đánh lửa theo phương pháp vật lý. Mìn có thể được rải bằng máy bay, tàu, tàu ngầm, hoặc người nhái và thuyền. Tính linh hoạt và hiệu quả về chi phí làm cho mìn hấp dẫn đối với nước có tiềm lực quân sự yếu hơn trong chiến tranh bất đối xứng.

Các loại mìn biển - thủy lôi (Nguồn: Quora)

Mặc dù mìn chỉ đe dọa những tàu bè có ý đồ vượt qua vùng nước có cài mìn, khả năng chúng bị kích hoạt là một mối nguy hiểm lớn và thường trực đối với giao thông. Luật pháp quốc tế yêu cầu các quốc gia ký kết công ước về mìn công bố các khu vực đặt mìn, nhưng vị trí chính xác của chúng vẫn là điều bí mật. Các nước thành viên không tuân thủ có thể không tiết lộ việc cài mìn; một số mìn còn từ thời những 1940 có thể vẫn nguy hiểm trong nhiều năm. Ước tính, chi phí sản xuất và đặt mìn tương đương từ 0,5-10% chi phí để rà phá và có thể mất tới 200 lần thời gian để dọn sạch một bãi mìn. Một số bãi mìn biển trong Thế chiến II vẫn tồn tại vì chúng quá rộng và quá đắt đỏ để rà phá.

Hải quân Mỹ chi hàng trăm triệu USD sản xuất một triệu mìn biển với hơn 300 loại với nhiều hình dạng khác nhau trong kho hải quân của trên 50 nước trên thế giới, để chống lại mối đe dọa toàn cầu. Hiện thế giới có trên 30 quốc gia sản xuất và trên 20 quốc gia xuất khẩu mìn. Đến cuối 2016, Nga được cho là sở hữu khoảng 250.000, Trung Quốc - 80.000-100.000, Triều Tiên - 50.000, và Iran - 3.000-6.000 quả mìn thủy.

Mìn bay Hải quân Mỹ và sự phát triển vượt bậc

Trong biên chế của Hải quân Mỹ đang có hai loại mìn là Quickstrike (Marks 62, 63 và 65) và Mìn Di động Phóng từ Tàu ngầm (Submarine Launched Mobile Mine - SLMM, Mark 67). Quickstrike là dòng mìn nước nông, do máy bay rải để chống tàu mặt nước và tàu dưới mặt nước. Phiên bản Quickstrike Mark 62 được chuyển đổi từ bom thường loại 500 pound và Mark 63 từ bom loại 1.000 pound. Mark 65 là mìn 2.000 pound, sử dụng vỏ mìn mỏng thay vì thân bom dày.

Công nghệ mìn có hiệu hiệu quả cao, hầu như không thay đổi kể từ Thế chiến II, nhưng Hải quân Mỹ gần đây đã có một số phát triển mới. SLMM được thiết kế để rải từ tàu ngầm tại các khu vực mà các phương tiện rải mìn khác không thể tiếp cận hoặc khu vực quân địch khống chế, nhằm hạn chế việc lưu thông tàu nổi và tàu ngầm. SLMM là mìn nước nông, về thực chất là ngư lôi được cải biên gắn thiết bị phát hiện mục tiêu (Target Detecting Device - TDD) MK37. Tất cả các mìn Quickstrike MK 63/64/65 đều sử dụng TDD MK57; dòng mìn đáy của Quick Strike (QS) được cải tiến bằng cách kết hợp TDD MK71.

Mìn lượn (hay mìn bay) mới của Hải quân Mỹ là sự kết hợp một số hệ thống vũ khí khác nhau vào một nền tảng mìn có khả năng bay. Hải quân trang bị cho mìn Quickstrike bộ đuôi của Vũ khí Tấn công Trực tiếp Chung - Tăng tầm (Joint Direct Attack Munition - Extended Range - JDAM-ER), và một bộ cánh xòe. Bộ chuyển đổi JDAM có giá khoảng 20.000 USD. Mặc dù không có động cơ, mìn lượn có thể bay một quãng đường khá dài, phụ thuộc vào chiều cao mà nó được thả - nguyên lý được áp dụng từ 1943.

Những đổi mới và khả năng này trong dự án mìn QS-ER (Quickstrike-JDAM-ER) cho phép các lực lượng Mỹ tạo ra các bãi mìn hiệu quả hơn từ xa và nhanh hơn bao giờ hết. Bằng cách rải từ khoảng cách xa hơn, máy bay ném bom của Mỹ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Khi căng thẳng trên toàn thế giới gia tăng, các điểm nóng như Biển Đông hoặc Vịnh Ba Tư có thể là nơi có tiềm năng để Mỹ tạo các bãi mìn.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 đã thử nghiệm thành công vũ khí lai-mìn bay. (Nguồn: Sofrep)

Trong cuộc thử nghiệm vào tháng 9/2014, máy bay ném bom tầm cao B-52H thả mìn Quickstrike có cánh và là vũ khí lai kết hợp giữa Quickstrike và JDAM. Bằng cách gắn vây và hướng dẫn định vị toàn cầu (GPS), cánh vào bom thường Người Mỹ biến chúng thành bom dẫn đường giá rẻ, có hiệu quả chiến đấu cao. Được trang bị JSAM-ER, mìn Quickstrike có thể bay khoảng cách xa. Vũ khí mới, có ký hiệu là GBU-62B (V-1)/B Quickstrike-ER có tầm bay 40 hải lý khi được phóng từ độ cao 35.000 feet.

Phòng thí nghiệm mìn và rải mìn của Hải quân Mỹ coi các mìn thông minh thế hệ tiếp theo là những yếu tố quan trọng chiến tranh trên biển, do mìn có thể được thả bằng phương tiện không người lái độc lập cũng như máy bay có người lái, tàu mặt nước và tàu ngầm; được điều khiển từ xa thông qua liên lạc an toàn không dây; và phân biệt được một loạt mục tiêu mở rộng - ví dụ, tàu điện diesel yên tĩnh, tàu ngầm nhỏ, tàu tuần tra nhanh, tàu đệm khí…

(theo National Interest, Naval Today)