📞

Minh chứng rõ nhất cho truyền thống bao dung, độ lượng của dân tộc Việt Nam

18:36 | 10/04/2018
45 năm kể từ ngày thành lập, thực hiện chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” do Đảng, Nhà nước giao phó, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) hay được gọi với tên Cơ quan MIA Việt Nam đã có một quá trình đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ từ cấm vận đến bình thường hóa quan hệ và xác lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Mỹ; đồng thời là minh chứng rõ nhất cho truyền thống bao dung, độ lượng của dân tộc Việt Nam.

Đó chính là những thành tựu to lớn được các đại biểu khẳng định tại Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (1973 - 2018) được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10/4 với sự tham dự của Giám đốc VNOSMP Lê Thanh Tùng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh; Trung tướng Bộ Công an Đường Minh Hưng; nguyên Giám đốc VNOSMP, đội MIA tỉnh cùng đông đảo cán bộ ba Bộ, cán bộ, nguyên cán bộ VNOSMP.  

Nhìn lại 45 năm 

Từ khi thành lập, VNOSMP đã đạt được nhiều thành tựu như: trao trả hài cốt cho quân nhân Mỹ, thiết lập kênh tiếp xúc, giải quyết hậu quả chiến tranh, tìm kiếm MIA Mỹ tại Việt Nam; ký kết một số thỏa thuận trong hợp tác giải quyết các vấn đề nhân đạo mà hai bên cùng quan tâm.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hợp tác MIA đã tạo ra ra kênh tiếp xúc giữa chính giới hai nước song song với các kênh đối thoại khác, với tinh thần "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", từng bước hướng tới bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, góp phần thuyết phục chính giới và dân chúng Mỹ về thiện chí và sự hợp tác của Việt Nam, đóng góp quan trọng thúc đẩy hai bên xích lại gần nhau, phá thế bao vây cấm vận của Mỹ chống lại Việt Nam.

Kết quả đó thể hiện ở việc vào tháng 10/1993, Mỹ tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh và thù địch đối với Việt Nam. Ngày 3/2/1994, Mỹ quyết định dỡ bỏ lệnh bao vây, cấm vận chống Việt Nam. Ngày 12/7/1995, Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trải qua 45 năm, với sự tham mưu của cả 3 Bộ, Lãnh đạo cấp cao đã chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” đưa ra những quyết sách tầm nhìn xa, coi MIA là vấn đề đề nhân đạo, từ đó hóa giải một vấn đề gây trở ngại trong quan hệ, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được.

Nhờ chủ trương đó, VNOSNP đã huy động được ủng hộ hợp tác và giúp đỡ của rất nhiều người dân Việt Nam. Đặc biệt, sự chung tay tham gia của những người đang chịu mất mát người thân trong chiến tranh trong thực hiện chủ trương góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, trong lòng 2 dân tộc Việt Nam và Mỹ từng bước tạo dựng lòng tin, tước đi vũ khí của lực lượng chống phá quan hệ và giúp quan hệ hai nước tiến triển như ngày nay.

Ngay từ khi thực hiện, VNOSMP đã gặp những khó khăn và thách thức vô cùng lớn như tạo nhận thức chung từ Trung ương đến địa phương và đến từng người dân, nhưng VNOSNP đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động từ các cấp lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương đến chính quyền địa phương,cũng như nhân dân cả nước; đặc biệt, các cựu chiến binh và nhân dân ở các vùng đã chịu nhiều mất mát trong chiến tranh. Mỗi cán bộ sẽ không thể quên những khó khăn này khi hoạt động tại VNOSNP, nhất là khi tiến hành các hoạt động MIA tại các tỉnh miền Trung, nơi được biết đến với 3 cái tên “M” là “mộ” “mìn” “MIA” là những điều phổ biến nhất.

Trong 45 năm qua, sự tham gia của những cán bộ địa phương, nhân dân nơi có hoạt động MIA đã và còn đang gánh chịu những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh, có người là con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có người có thân nhân là thương binh, liệt sỹ, thậm chí còn chưa tìm thấy hài cốt và đưa được các anh về với quê nhà; cựu chiến binh, những nhân chứng sống về sự tàn khốc của chiến tranh, những thư viện sống về cuộc chiến, về MIA Mỹ là vô cùng có ý nghĩa, gây xúc động sâu sắc và là minh chứng rõ nhất cho truyền thống bao dung, độ lượng của dân tộc Việt Nam.

Kết quả hợp tác cụ thể đã góp phần thay đổi nhận thức, suy nghĩ, của nhiều tổ chức cá nhân Mỹ về Việt Nam, quan hệ Việt - Mỹ cũng như giúp họ thấy rõ trách nhiệm của họ trong hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Trong các tiếp xúc với chính giới Mỹ và các cấp và các tổ chức cựu binh, gia đình thân nhân MIA Mỹ, phía Mỹ đều coi hợp tác MIA của Việt Nam là mẫu mực. Trong các Tuyên bố chung giữa Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam và Mỹ gần đây, phía Mỹ luôn cảm ơn và đánh giá cao việc Việt Nam giúp phía Mỹ tìm kiếm MIA và khẳng định tiếp tục hợp tác với Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh trên các lĩnh vực rà phá bom mìn, vật liệu nổ, tẩy độc da cam/dioxin và tìm kiếm bộ đội việt Nam mất tích cũng như giúp đỡ nạn nhân đã trải qua chiến tranh.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhìn lại chặng đường đã qua trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, chúng ta càng thấy ý nghĩa lớn lao quyết tâm chính trị đúng đắn kịp thời của Đảng, Nhà nước ta vượt qua mọi trở ngại hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực MIA vì mục tiêu rộng lớn hơn là tạo dựng hòa bình ổn định để phục vụ mục tiêu phát triển và bảo vệ đất nước.

Những thách thức trong tương lai

Trong suốt 45 năm qua, hàng ngàn lượt cán bộ Cơ quan MIA Việt Nam, hàng vạn lượt cán bộ chính quyền địa phương các cấp và hàng vạn ngày công của các nhân chứng, các tầng lớp nhân dân ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước đã tham gia vào lĩnh vực công tác này. Thiện chí và sự hợp tác đầy đủ, hiệu quả của Việt Nam đã được chính giới bao gồm cả Chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ, Liên đoàn các gia đình MIA Mỹ và các tổ chức Cự chiến binh Mỹ cảm ơn và đánh gái cao; đồng thời, góp phần đấu tranh, thúc đẩy phía Mỹ nâng cao trách nhiệm trong khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh.

Với những thành tích đạt được như vậy, hoạt động MIA trong thời gian tới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt không ít khó khăn và thách thức.

Thuận lợi là quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ đang phát triển tốt đẹp. Sự hiểu biết và tin cậy giữa chính giới và nhân hai nước ngày càng được tăng cường. Phía Mỹ hỗ trợ Việt Nam ngày càng thực chất hơn trong khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với hoạt động MIA chính là thời gian. Chiến tranh chấm dứt đã lâu, nguồn nhân chứng và thông tin dần cạn kiệt, nhiều hiện trường đã hoặc có nguy cơ bị mất hoặc thay đổi do điều kiện thời tiết, thiên nhiên và sự phát triển kinh tế - xã hội. Các hiện trường còn lại phần lớn đều nằm ở khu vực rừng núi hiểm trở, các vùng biển sâu khó khăn, nguy hiểm.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức như vậy, lãnh đạo các đơn vị đều bày tỏ tin tưởng với sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết, vượt khó của Ban Giám đốc VNOSMP, chuyên viên ba Bộ và sự hỗ trợ tích cực từ các tỉnh, thành phố sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó trong lĩnh vực tìm kiếm MIA. 

Chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt nam, ngày 9/2/1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 34/TTg thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích, gọi tắt theo tiếng Anh là VNOSMP và thường được gọi là “Cơ quan MIA Việt Nam”, để thực hiện điều 8b của Hiệp định. Quyết định này thể hiện sự tôn trọng và nghiêm túc thực thi Hiệp định Paris của ta, cũng như truyền thống hòa hiếu và bao dung của dân tộc Việt Nam.

VNOSMP bao gồm đại diện của 4 Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Y tế, trong đó là Bộ Ngoại giao là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm về công tác đối ngoại; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ tài liệu, tình hình hài cốt, kế hoạch và các thuộc lĩnh vực quốc phòng; Bộ Công an bảo đảm công tác an ninh, phòng chống và ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; Bộ y tế cử cán bộ kiểm dịch tham gia thủ tục trao trả hài cốt quân nhân Mỹ.