📞

Mở cửa du lịch: Chậm mà chắc với 4 bài học kinh nghiệm

Hoàng Nam 14:49 | 24/09/2021
Việc mở cửa trở lại ngành du lịch trong bối cảnh sống chung với Covid-19 nên diễn ra cẩn thận và từ từ, chậm mà chắc, cần đảm bảo an toàn cho du lịch nội địa trước khi mở cửa cho du khách quốc tế.

Du lịch là ngành rủi ro cao lây nhiễm dịch bệnh nhưng lại đang tiên phong trong công cuộc mở cửa kinh tế, bởi nhu cầu của người dân luôn rất cao. Đặc biệt, sau thời gian dài phải ở trong nhà, tuân thủ giãn cách xã hội vì Covid-19, nhu cầu được ngao du của mọi người lại càng mạnh mẽ.

Đảo ngọc Phú Quốc, Kiên Giang lên kế hoạch mở cửa trở lại đón du khách quốc tế từ tháng 10/2021. (Nguồn: 123tadi)

Nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa du lịch

Với những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, một số địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và mở cửa đón khách du lịch nội tỉnh.

Theo đó, từ ngày 10/9, tỉnh Lào Cai nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, mở cửa đón khách du lịch trong tỉnh. Thực tế cho thấy, lượng khách tới thăm Khu du lịch quốc gia Sa Pa tăng nhẹ trở lại, khoảng 50 - 60% so với các tuần trước đó.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã mở cửa trở lại một số hoạt động tại các khu, điểm du lịch, thắng cảnh; các sân golf, các cơ sở tập luyện thể dục thể thao dành cho khách nội tỉnh kèm theo những quy định đảm bảo an toàn chống dịch.

Sau hơn 80 ngày không có ca nhiễm Covid-19 thứ phát trong cộng đồng và trở thành địa phương an toàn về dịch, từ ngày 21/9, Quảng Ninh mở lại một số hoạt động dịch vụ, các điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở dịch vụ nội tỉnh gắn với việc kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Dự kiến trong tháng 11 và 12 tới, Quảng Ninh sẽ kết hợp kích cầu du lịch nội tỉnh với thu hút khách du lịch ngoại tỉnh.

Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đề xuất tỉnh cho phép đón khách du lịch nội tỉnh từ tháng 10, sau đó sẽ đón khách du lịch nội địa từ các tỉnh lân cận, rồi mở dần ra các trung tâm lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 20/9 cũng đã ban hành tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với hoạt động du lịch, trong đó có các đánh giá được áp dụng với hoạt động của cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành và điểm tham quan ngoài trời.

Các địa bàn cơ bản kiểm soát được dịch như Củ Chi, Cần Giờ tại TP. Hồ Chí Minh đã mở tour khép kín đầu tiên vào ngày 19/9 và dự kiến triển khai các tour tiếp theo trong thời gian tới.

Ngoài ra, các địa phương như Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tuyên Quang, Bắc Kạn… cũng đang lên kế hoạch tái khởi động và phục hồi, phát triển du lịch sau Covid-19.

Không chỉ đón khách nội tỉnh, mới đây, tỉnh Kiên Giang có dự định, từ tháng 10 tới sẽ đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine trong vòng 6 tháng tới đảo ngọc Phú Quốc.

Tuân thủ phòng dịch

Về kế hoạch cửa trở lại du lịch, trao đổi với TG&VN, TS Nuno F. Ribeiro, giảng viên cấp cao và Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT, nhận định, nếu tất cả các biện pháp đảm bảo sức khỏe và an toàn cũng như phòng chống dịch bệnh đều được tuân thủ nghiêm ngặt, đây có thể là bước khởi đầu tốt để dần tái thiết ngành du lịch Việt Nam.

Theo TS Ribeiro, nhìn lại lịch sử ngành du lịch thế giới từ Thế chiến II có thể thấy hoạt động du lịch luôn bùng nổ mạnh mẽ sau các cuộc khủng hoảng. Điều tương tự sẽ xảy ra khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hoặc cả thế giới học cách sống chung với nó, như cách chúng ta đang sống chung với các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh cúm.

Cũng theo chuyên gia này, chắc chắn việc mở cửa trở lại sẽ diễn ra cực kỳ cẩn thận và từ từ. Và trước khi nghĩ đến việc mở cửa cho du khách quốc tế (trừ những địa điểm như Phú Quốc), cần đảm bảo an toàn cho du lịch nội địa trước.

Rõ ràng, việc mở cửa các điểm du lịch cũng kéo theo nhiều nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát nếu các địa phương lơ là trong công tác kiểm soát dịch.

Ðể bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, giữ an toàn vùng xanh khu du lịch, hầu hết các địa phương đều yêu cầu du khách và cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch thực hiện nghiêm 5K và các quy định về phòng, chống dịch.

Các chủ cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm việc khai báo tạm trú, nhân viên bắt buộc phải đeo khẩu trang khi phục vụ khách, sát khuẩn cơ sở thường xuyên; yêu cầu khách quét mã QR để phục vụ công tác truy vết; duy trì thường xuyên tổ phòng, chống dịch cộng đồng đi từng ngõ, rõ từng nhà, nắm từng người để thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Hay tại TP. Hồ Chí Minh, điểm dịch Covid-19 "nóng" nhất hiện nay, cơ quan chức năng đã đưa ra những quy định rất cụ thể. Với hoạt động của cơ sở lưu trú, 100% nhân viên tại các bộ phận tiếp xúc khách và người ngoài cơ sở phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, đủ 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm Covid-19.

Khách lưu trú trên 18 tuổi phải tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine và đã qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối hoặc đã hồi phục sau khi bị Covid-19 (có xác nhận). Khách dưới 18 tuổi cần có giấy chứng nhận xét nghiệm nhanh âm tính trong 48 giờ trước khi đi du lịch.

Ngoài ra, Thành phố cũng có những quy định chi tiết đối với nhân viên phục vụ trong các nhà hàng, quy định đối với khách lưu trú, các đoàn tham quan ngoài trời…

PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, nhận định, đối với ngành du lịch, cần mở cửa dần trên nguyên tắc đảm bảo an toàn là ưu tiên hàng đầu. Việt Nam khoanh vùng chống dịch thì mở cửa du lịch cũng nên khoanh vùng, thậm chí khoanh những vùng rất nhỏ.

Theo bà Thúy, có thể tổ chức những tour du lịch khép kín tại 1 điểm du lịch, sau khi thí điểm thành công, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản trị sự tương tác giữa con người với con người thì mới mở rộng sang vùng, tỉnh, thành…”.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế

Cùng quan điểm mở cửa dần dần, Tiến sĩ Ribeiro cũng đề xuất cách tiếp cận chậm mà chắc cho kế hoạch tái khởi động ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, ĐH RMIT. (Ảnh: MN)

Theo TS Ribeiro, trước Phú Quốc, đảo Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia) đã mở cửa đón du khách quốc tế trở lại. Có 4 bài học kinh nghiệm chính có thể rút ra từ những nỗ lực ban đầu để thích ứng với “trạng thái du lịch bình thường mới” từ các địa phương này.

Thứ nhất, cần chuẩn bị đội ngũ nhân sự có trình độ và được đào tạo tốt trước khi mở cửa trở lại. Sau nhiều tháng ngừng làm việc, cần ưu tiên thu hút và giữ chân nhân sự có năng lực làm việc trong lĩnh vực du lịch và khách sạn.

Thứ hai, đối thoại và hợp tác cởi mở cũng như trung thực giữa tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch là vô cùng cần thiết.

Các bên liên quan phải kể đến gồm chính phủ, các hãng hàng không, chủ sở hữu và người điều hành các khách sạn, các đại lý du lịch và công ty lữ hành, các ban cố vấn, và các đơn vị quảng bá du lịch.

Ông Ribeiro nhấn mạnh: “Toàn bộ những người này đều phải tham gia vào quá trình mở cửa lại ngay từ đầu và được phép đưa ra ý kiến của mình”.

Thứ ba, theo TS Ribeiro, các khoản hỗ trợ tài chính bổ sung cho ngành khách sạn là vô cùng cần thiết, có thể dưới hình thức giảm thuế, trợ cấp tiền điện nước, giảm nợ và/hay hỗ trợ nhân viên.

Thứ tư, một điều cực kỳ quan trọng là dịch vụ logistics phải tốt, và chuỗi cung ứng du lịch và khách sạn không được gián đoạn, vì nguyên liệu, vật tư, thực phẩm và đồ uống, bộ đồ dùng trong các phòng lưu trú… là những thứ thiết yếu để ngành khách sạn có thể hoạt động tối ưu. Thiếu chuỗi cung ứng chuẩn mạnh, bất kỳ nỗ lực mở cửa trở lại nào cũng sẽ gặp khó khăn.

Chuyên gia từ Đại học RMIT kết luận: “Nhìn chung, chuẩn bị kỹ lưỡng, truyền thông đầy đủ và triển khai nghiêm túc sẽ là chìa khóa giúp du lịch Việt Nam mở cửa trở lại thành công. Tại thời điểm hiện tại, tốt hơn hết vẫn nên cẩn thận và chậm rãi mở cửa trở lại, thay vì vội vã để phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch mới và gây thêm áp lực cho hệ thống y tế”.