📞

Mối đe dọa với đồng USD là có thật, BRICS mới là thế lực nắm quyền quyết định trật tự tài chính toàn cầu?

Minh Anh 19:00 | 04/10/2024
Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) có thể nắm quyền quyết định trong trật tự tài chính toàn cầu, khiến Mỹ và phương Tây phải ngồi ghế sau?
Mối đe dọa với đồng USD là có thật, BRICS có thể là thế lực nắm quyền quyết định trật tự tài chính toàn cầu? (Nguồn: Watcher)

Đối mặt với một khối BRICS ngày càng quyết đoán trong việc phản đối quyền bá chủ của phương Tây, chuyên gia tài chính Robert Kiyosaki, tác giả nổi tiếng của cuốn sách bán chạy nhất thế giới “Rich Dad, Poor Dad_Cha giàu, cha nghèo” đã lưu ý rằng, đồng USD của Mỹ có khả năng đang dần tiến gần đến “điểm thụt lùi”.

Mọi thứ trở nên tồi tệ với đồng bạc xanh?

Đồng USD đã phải đối mặt với phong trào phi USD hóa ngày càng gia tăng trên quy mô toàn cầu. Kết hợp với cuộc khủng hoảng kinh tế đang nhen nhóm trong nội bộ nền kinh tế số 1 thế giới, nó có thể gây nên một cơn bão hoàn hảo đối với vị thế bá chủ của đồng bạc xanh.

Nhóm BRICS đã kiên quyết ủng hộ lập trường chống lại đồng USD trong mọi chính sách của mình. Điều đó đã dẫn đến việc tăng cường thúc đẩy phổ biến các đồng tiền quốc gia thành viên trong giao dịch, đưa nhóm này tiến gần hơn đến một thế giới đa cực.

Khi Hội nghị thượng đỉnh thường niên năm 2024 của BRICS đang đến rất gần (10/2024), có thể sẽ có những diễn biến nhằm phi USD hóa lớn hơn nữa. Điều đó đặc biệt đúng khi hệ thống thanh toán BRICS được thông tin là sắp chính thức ra mắt.

Khối BRICS đã đạt được mức tăng trưởng chưa từng có trong năm qua. Không chỉ mở rộng thành viên từ 5 lên 9 quốc gia, với trọng tâm là giảm sự phụ thuộc của phương Tây vào kinh tế, khối này đã chứng kiến ​​nhiều nền kinh tế trên thế giới tìm cách tăng cường hợp tác. Đây là xu hướng không thể tốt hơn đối với nhóm và rất đáng lo ngại đối với phương Tây.

Thảo luận về tình hình kinh tế Mỹ, chuyên gia tài chính hàng đầu Robert Kiyosaki không nói bóng gió mà đi thẳng vào vấn đề rằng, một cuộc khủng hoảng kinh tế có nguy cơ xảy ra và đồng bạc xanh đang có xu hướng giảm đáng kể. Ông nói rằng, kinh tế Mỹ hiện đang bên bờ “một cuộc khủng hoảng", với nhiều khía cạnh khác nhau đang đẩy nhanh quá trình này và đến lúc các ngân hàng bắt đầu đóng cửa chỉ là vấn đề thời gian, nếu mọi thứ không sớm thay đổi.

Giới quan sát cho rằng, nhận định của tác giả “Rich Dad, Poor Dad” có thể liên quan đến đế chế tài chính truyền thống của Mỹ -một đế chế vốn được thúc đẩy bởi vị thế dự trữ toàn cầu của đồng USD. Với mục tiêu đối lập của BRICS và xu hướng một số nhóm kinh tế khác đều hướng tới vị thế thống trị đó, không thể phủ nhận được rằng, sẽ có những thay đổi nhất định trong tương lai.

Trên thực tế, các hoạt động của BRICS đang gây rắc rối cho dự trữ USD từ mọi hướng, sau khi Nhà Trắng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vào năm 2022. Liên minh kinh tế này đã tích lũy vàng trong hai năm qua và đa dạng hóa dự trữ của ngân hàng trung ương bằng kim loại quý. Tính trong 18 tháng qua, các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế đang phát triển đã kết hợp mang về 800 tấn vàng. Chỉ riêng trong 15 tháng qua, Trung Quốc đã mua thêm 225 tấn vàng.

Nga, Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số những nước mua vàng nhiều nhất, góp phần đẩy giá kim loại quý lên cao nhất mọi thời đại. “Tính đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng trung ương đã mua ròng 800 tấn, cao hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái”, theo báo cáo Hội đồng Vàng thế giới (WGC). Hiện tượng này dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong dự trữ đồng USD, vì BRICS và một số nền kinh tế khác đang thay thế đồng bạc xanh bằng vàng trong các ngân hàng trung ương của họ.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương tính bằng đồng tiền của Mỹ đã giảm xuống còn 58,2% vào năm 2024. Đây là mức thấp nhất được ghi nhận, kể từ năm 1995 - khi BRICS và các nước đang phát triển khác bổ sung vàng và các loại tiền tệ quốc gia khác vào dự trữ của ngân hàng trung ương.

Một hiện tượng mới đang diễn ra là các loại tiền tệ dự trữ phi truyền thống đang tìm đường vào ngân hàng trung ương của BRICS và các nước đang phát triển. Song song với đó, nhiều ngân hàng trung ương đang cắt giảm dần dự trữ bằng đồng USD và thay thế bằng vàng để đa dạng hóa. Báo cáo của IMF chỉ ra rằng, "các loại tiền tệ dự trữ phi truyền thống" đang là sự thay thế chính cho đồng USD và Euro.

Do đó, nếu vàng chiếm ưu thế trong dự trữ tại ngân hàng trung ương của các quốc gia BRICS, đồng USD chắc chắn phải đối mặt với thâm hụt. Sự sụt giảm mạnh trong dự trữ cho thấy, xu thế phi USD hóa có thể thực sự khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với đồng bạc xanh. Vì vậy, các nền kinh tế mới nổi có thể nắm quyền quyết định trong trật tự tài chính toàn cầu, khiến Mỹ và phương Tây phải ngồi ghế sau.

Mối đe dọa tiềm tàng đối với đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ thống trị thế giới cũng vừa được Nasdaq cảnh báo vào đầu tháng này, rằng một loại tiền tệ BRICS có thể dẫn đến sự sụt giảm đáng kể nhu cầu đối với đồng bạc xanh, đẩy nhanh quá trình phi USD hóa.

Phi USD hóa - Tổng thống Nga Putin nói gì?

Tại Tuần lễ Năng lượng Nga tuần trước, Tổng thống Nga Putin đã xác nhận, nhóm các nền kinh tế BRICS đang tích cực xây dựng hệ thống thanh toán và quyết toán độc lập, có khả năng được bảo đảm bằng vàng, nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và định hình lại động lực tài chính toàn cầu. Sáng kiến ​​này cũng nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào các cấu trúc tài chính phương Tây như SWIFT - nơi mà Nga đã bị ngắt kết nối do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Hiện Nga đã chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia trong giao dịch với nhóm BRICS—Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, cùng với các thành viên mới là Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE. Tổng thống Putin nhấn mạnh, hệ thống thanh toán còn nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các thành viên BRICS, tạo ra một nền tảng để các quốc gia thành viên có thể tiến hành ngoại thương hiệu quả mà không cần dựa vào đồng USD hoặc Euro.

Kết quả là, tỷ trọng đồng Ruble của Nga trong thương mại quốc tế của nước này đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, chiếm 39,4% tổng thương mại vào năm 2023. Con số này đánh dấu mức tăng gấp ba lần so với năm 2021, dự kiến còn mở rộng hơn nữa khi Nga tiếp tục tăng cường quan hệ với các quốc gia BRICS.

Hiện tại, thay vì thiết lập một loại tiền tệ chung ngay lập tức, BRICS đang tập trung vào việc phát triển một nền tảng dựa trên blockchain có tên là Nền tảng thanh toán đa phương (BRICS Bridge). Hệ thống sáng tạo này sẽ kết nối các mạng lưới tài chính của các quốc gia thành viên, cho phép thanh toán thông qua các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).

BRICS Bridge được thiết kế để trở thành giải pháp thay thế cho SWIFT (do Mỹ và EU thống trị), cung cấp giải pháp thanh toán xuyên biên giới độc lập, an toàn và tiết kiệm chi phí.

Điện Kremlin hình dung hệ thống này là giải pháp trung lập về mặt chính trị và tiên tiến về mặt công nghệ, đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp và cá nhân tại các quốc gia BRICS. Hệ thống này cũng sẽ cung cấp một vùng đệm quan trọng cho các quốc gia phải đối mặt với mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.

Trong khi, BRICS Bridge là kế hoạch trước mắt, các cuộc thảo luận nhóm đang diễn ra cũng đang đề cập việc tạo ra một loại tiền tệ chung cho toàn nhóm. Loại tiền tệ chung này sẽ được neo 40% vào vàng và 60% vào một rổ tiền tệ quốc gia của các thành viên BRICS. Mục tiêu là tạo ra một công cụ ổn định và phổ biến cho thương mại, có thể chuyển đổi thành bất kỳ loại tiền tệ quốc gia nào, giúp tách biệt hơn nữa khỏi đồng USD.

Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Nga, việc triển khai loại tiền tệ này vẫn là một dự án dài hạn, ước tính có thể phải đến năm 2030 mới triển khai đầy đủ. Trong thời gian chờ đợi, các thành viên BRICS sẽ tiếp tục giảm lượng đồng USD nắm giữ, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia tích cực nhất trong việc đa dạng hóa dự trữ.

(theo Watcher, jpost)