Chuyên gia nhận định, việc mất thị trường châu Âu là một phép thử rất nghiêm trọng đối với Nga trong lĩnh vực khí đốt. (Nguồn: APA.az) |
Phép thử rất nghiêm trọng với Nga
Sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine và quyết định cắt nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu đã khiến xuất khẩu năng lượng Moscow giảm mạnh.
Thương mại khí đốt của Nga với châu Âu phụ thuộc vào đường ống bắt đầu từ Siberia, kéo dài đến Đức và xa hơn nữa.
Cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga Yuri Shafrani nhận định: "Việc mất thị trường châu Âu là một phép thử rất nghiêm trọng đối với Nga trong lĩnh vực khí đốt".
Theo ước tính của hãng tin Reuters dựa trên khối lượng xuất khẩu, doanh thu bán hàng ở nước ngoài của Tập đoàn năng lượng Gazprom vào khoảng 3,4 tỷ USD trong tháng 1/2023, giảm so với mức 6,3 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Các số liệu, kết hợp với dự báo về xuất khẩu và giá khí đốt trung bình cho thấy, doanh thu xuất khẩu của Gazprom sẽ giảm gần một nửa trong năm nay.
Năm ngoái, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của tập đoàn này đã giảm gần một nửa và xu hướng giảm sẽ tiếp tục trong năm 2023 này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Moscow đã cắt giảm 80% nguồn cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) trong 8 tháng sau xung đột Nga-Ukraine. Do đó, Nga chỉ cung cấp khoảng 7,5% nhu cầu khí đốt của Tây Âu vào cuối năm ngoái, so với khoảng 40% vào năm 2021.
Năng lực vận chuyển khí đốt của Moscow đã bị suy giảm vào năm ngoái, sau vụ nổ bí ẩn đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) từ Nga đến Đức ở biển Baltic.
Tháng trước, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell cũng tuyên bố, khối này đã hoàn toàn thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Ông Borrell nhấn mạnh: "Trong vài tháng qua, chúng tôi đã xóa bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã trải qua giai đoạn khí đốt tăng giá cực kỳ căng thẳng. Tuy nhiện, hiện tại, giá đã trở lại như thời kỳ trước khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine".
Có thể cậy nhờ Trung Quốc?
Để lấp đầy khoảng trống của EU, năm ngoái, Tổng thống Putin đã tìm cách đa dạng hóa thị trường khí đốt. Tháng 10/2022, ông Putin đưa ra ý tưởng về một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chuyển hướng "dòng chảy" khí đốt của đất nước.
Nga cũng đang tìm cách tăng cường bán khí đốt qua đường ống cho Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đồng thời là người mua dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá hàng đầu.
Khí đốt bắt đầu "chảy" sang Bắc Kinh qua đường ống Sức mạnh của Siberia (Power of Siberia).
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tiết lộ, năm 2022, kỷ lục về lượng khí đốt Moscow cung cấp mỗi ngày thông qua đường ống Sức mạnh của Siberia đã bị “xô đổ” nhiều hơn một lần. Kết quả là nguồn cung cấp khí đốt từ Nga cho Trung Quốc thông qua đường ống này đã tăng 48% và đạt mức cao nhất lịch sử là 15,4 tỷ m³.
Moscow cũng có một thỏa thuận với Bắc Kinh về 10 tỷ m³ mỗi năm, trong khi Nga cũng đang phát triển các kế hoạch cho đường ống Sức mạnh của Siberia 2 dự kiến chạy từ Siberia qua Mông Cổ.
Đường ống này sẽ cung cấp khí đốt chuyển hướng khỏi châu Âu từ các mỏ ở phía Tây Siberia tới Trung Quốc, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2030. Đường ống mới có thể vận chuyển 50 tỷ m³ khí đốt hằng năm từ Nga đến Trung Quốc. Công suất đó lớn hơn nhiều so với tổng lượng khí đốt mà Moscow đã từng xuất khẩu mỗi năm sang Đức, khoảng 35 tỷ m³.
Dù vậy, theo tờ WSJ, những đường ống mới cần thiết để Trung Quốc tận dụng mối quan hệ hợp tác với Nga phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thành.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích trong ngành cũng chỉ ra rằng, các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc bán khí đốt mới dự kiến sẽ phức tạp, nhất là vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ không cần thêm khí đốt cho đến năm 2030.
Không chỉ thế, LNG - có thể được vận chuyển đến bất cứ nơi nào trên thế giới - đã làm giảm hơn nữa nhu cầu khí đốt chảy qua đường ống. Và Moscow cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh nhiều hơn trước đây từ năng lượng tái tạo, khi cả thế giới đang nỗ lực tìm cách hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.