Đã nhiều lần trở về thăm quê hương, nhưng đây là lần đầu tiên, ông Lương Xuân Hòa về cùng sư trụ trì của các ngôi chùa Việt tại Thái Lan thực hiện chuyến hành hương kéo dài một tuần đầy ý nghĩa. Đặc biệt, ông được về thăm chùa Hoằng Ân tại Hà Nội và thắp hương trước vong linh Hòa thượng Phạm Ngọc Đạt (hiệu Bình Lương), Trưởng phái An Nam Tông đời thứ 8 tại Thái Lan - người đã cưu mang Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn bị thực dân Pháp lùng bắt.
Chùa Khánh An tại Udon Thani. |
Tiếng Việt để giữ gốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức ông Hòa và những người Việt ở tỉnh Udon Thani. Là thế hệ kiều bào thứ hai lớn lên trên mảnh đất này, ông luôn được giáo dục về văn hóa truyền thống, được nghe kể những câu chuyện về Người. Ông nhớ thời điểm khi dừng chân tại tỉnh Udon Thani năm 1928, Bác Hồ đã lập trường dạy tiếng Việt để cộng đồng người Việt luôn đoàn kết và gìn giữ cội nguồn văn hóa của dân tộc. Hình ảnh Bác luôn in đậm trong lòng bà con kiều bào nên khi Người mất, mỗi gia đình tại đây đều lập ban thờ Người tại nhà riêng của mình.
Năm 2014, được sự chấp thuận của Hòa thượng Thích Thiện Thật là trụ trì chùa Khánh An, ông Hòa cùng các thành viên trong Ban Quản lý chùa Khánh An đã cho xây dựng một dãy nhà trong chùa vừa làm nơi sinh hoạt vừa để tổ chức dạy tiếng Việt cho bà con cộng đồng. Đây cũng là lớp học tiếng Việt chính thức đầu tiên tại Thái Lan và nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
Khóa học đầu tiên đã khai giảng ngày 24/1 vừa qua với 4 lớp học miễn phí. Hiện đã có 8 lớp học với hơn 70 học viên từ 7 - 60 tuổi, đặc biệt có khoảng 20 nhà sư học viết và nói tiếng Việt. Đáng trân trọng là trong suốt ba tháng qua, khoảng 20 thầy cô vẫn nhiệt tình tới lớp, tình nguyện dạy không lương. Kinh phí để duy trì lớp học đều nhờ sự ủng hộ của các doanh nhân và bà con kiều bào, nhưng hiện tại vẫn thiếu rất nhiều sách học.
“Tôi cho rằng, việc học tiếng Việt là quan trọng nhất đối với kiều bào. Nếu con em kiều bào được học tiếng Việt từ bé thì tiếng Việt sẽ truyền mãi tới các thế hệ tiếp theo. Tiếng Việt còn, nguồn gốc văn hóa còn. Hiểu và nói được tiếng Việt, con em kiều bào sẽ hiểu về nguồn cội cũng như mong muốn trở về Việt Nam”, ông Hòa chia sẻ.
Ông Lương Xuân Hòa (ở giữa) chụp ảnh cùng các nhà sư và các doanh nhân kiều bào về thăm Việt Nam. (Ảnh: Phạm Thuận/TG&VN). |
Chùa Việt để giữ hồn
Làm việc trong Ban Quản lý chùa Khánh An, ông Hòa hiểu vai trò của những ngôi chùa Việt là trung tâm bảo tồn văn hóa, lưu giữ hồn Việt và là biểu tượng của Việt Nam trên đất Thái.
Ông cho biết, chùa Việt Nam ở Thái Lan được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ XVIII khi những người Việt đầu tiên di cư đến đây lập nghiệp. Hiện có 21 ngôi chùa Việt Nam được xây dựng tại 8 tỉnh, thành và phân bố trên toàn lãnh thổ. Các chùa của người Việt đều nhận được sự quan tâm bảo trợ của các đời Vua Thái Lan, được Nhà Vua ban tên và sắc phong sư trụ trì. Đặc biệt, các chùa như Cảnh Phước, Khánh Vân, Khánh Thọ, Long Sơn… là những ngôi chùa cổ nhất, được bà con Phật tử người Việt hoặc các Hòa thượng trụ trì gốc Việt xây dựng cách đây hơn 200 năm.
Tại chùa Khánh An, những năm gần đây, Ban Quản lý đã hai lần tổ chức Đại lễ cầu siêu cho 64 chiến sĩ hy sinh anh dũng tại đảo Gạc Ma năm 1988. Họ cũng đã quyên góp để đúc hai đại chuông hòa bình hữu nghị có in bản đồ Việt Nam cho hai ngôi chùa Việt tại Thái Lan. Hiệp hội Doanh nhân Thái-Việt, nơi ông Hòa là Phó Chủ tịch, được thành lập từ năm 2009 đến nay luôn có nhiều hoạt động trợ giúp tích cực cho việc duy trì hoạt động tại các ngôi chùa Việt.
Với 12 chi hội ở các tỉnh của Thái Lan, Hiệp hội Doanh nhân Việt - Thái luôn chủ động tiến hành nhiều hoạt động quảng bá cho các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan, đồng thời đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào Việt Nam. Cùng với các dự án kinh doanh, liên kết với các công ty trong nước để nhập hàng Việt sang Thái Lan, các doanh nhân luôn có chương trình thiện nguyện để ủng hộ đồng bào khó khăn ở trong nước.
Không chỉ tâm huyết thúc đẩy các biện pháp vận động thương mại để bạn bè Thái sử dụng hàng hóa Việt Nam nhiều hơn, những doanh nhân như ông Lương Xuân Hòa còn tiếp tục hợp tác để đúc chuông cho các ngôi chùa Việt ở khắp nơi trên đất Thái. Mong ước của ông là nơi nào có người Việt ở là nơi đó sẽ có những ngôi chùa được gắn tên Việt Nam.
Chùa Khánh An tại Udon Thani
Ông Lương Xuân Hòa (ở giữa) chụp ảnh cùng các nhà sư và các doanh nhân kiều bào về thăm Việt Nam. (Ảnh: Phạm Thuận).