Mông Cổ: Bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng khó giữ bản sắc
12:00 | 22/05/2018
Cuộc sống hiện đại cùng nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái của chính phủ Mông Cổ đang khiến tộc người chăn tuần lộc Dukha lạc hướng trong cố gắng duy trì truyền thống dân tộc.
|
"Chu! Chu!", ông Erdenebat Chuluu thúc tuần lộc ra khỏi khu rừng tuyết tùng, tiến lên bình nguyên ở phía Nam rừng taiga thuộc Mông Cổ, cách đường nhựa 200km. Ông Chuluu đã sống cả đời với truyền thống bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước của tổ tiên Dukha, bộ tộc nổi tiếng với nghề chăn nuôi tuần lộc và đi săn trong những cánh rừng tại dãy núi Sayan hiểm trở vùng biên giới Mông Cổ - Nga. (Nguồn: Reuters) |
|
280 người Dukha trong 59 hộ gia đình đang phải đối mặt với nguy cơ đánh mất bản sắc khi lệnh bảo tồn do chính phủ ban hành cấm mọi hành vi săn bắn trái phép trên vùng đất truyền thống của họ. Năm 2012, Chính phủ Mông Cổ chỉ định phần lớn đất của người Dukha là một phần của dự án công viên quốc gia nhằm bảo vệ hệ sinh thái bị tàn phá trong nhiều thập niên trước. Trong ảnh, bà Jargal Gombosed, người dân tộc Dukha, bế cháu bên ngoài bãi rào chăn tuần lộc của gia đình. (Nguồn: Reuters) |
|
Vùng núi tuyết với địa hình khúc khuỷu có nhiều tuần lộc hơn ngựa. Chúng cũng giúp người Dukha tránh được nhiều biến động xã hội đã ảnh hưởng tới người dân ở những nơi thấp hơn. Tuy nhiên, với thực trạng người Dukha và dân địa phương săn lùng các loài như nai sừng tấm và hươu đỏ cho thị trường Trung Quốc, số lượng động vật đang suy giảm trầm trọng. (Nguồn: Reuters) |
|
Chính phủ đang trợ cấp hàng tháng cho người chăn tuần lộc để đền bù cho lệnh cấm săn bắt, nhưng nhiều người Dukha cảm thấy họ mất đi một phần của bản thân. Theo lời hàng xóm của ông Chuluu, truyền thống đi săn đã luôn là thứ định nghĩa một người đàn ông nơi rừng taiga. “Có cảm giác như chúng tôi đã mất đi điều gì đó vì chúng tôi không thể tới bất kỳ nơi nào chúng tôi muốn trên mảnh đất vốn do tổ tiên truyền lại”, anh Naran Erdene Bayar, 26 tuổi, giãi bày. (Nguồn: Reuters) |
|
Cuộc sống nơi vùng núi truyền thống dần trở nên hiện đại hơn. Là một bác sĩ, ông Davaajav Nyamaa dùng điện thoại để liên lạc với bệnh nhân. Người du mục ở vùng này sử dụng antenna gắn trên cây để kết nối mạng di động 3G. (Nguồn: Reuters) |
|
“Vào thời của ta, tất cả mọi thứ như gạo, bột mì đều rất hiếm. Nhưng giờ thì chỉ cần có tiền thì có thể có bất cứ thứ gì”, bà Gombosed kể với con cháu. “Mọi thứ giờ khác trước rồi. Khi ta còn bé, chúng ta còn chẳng có những thứ như điện thoại nên chỉ có thể biết tin tức khi xuống trung tâm làng. Nhưng giờ thì ai cũng có điện thoại và TV”. (Nguồn: Reuters) |
|
Tsetse, con gái 6 tuổi của ông Chuluu, dành nhiều giờ mỗi ngày để cưỡi tuần lộc qua khu rừng. Vì nhẹ cân hơn người lớn, trẻ con có thể huấn luyện tuần lộc non dần quen với việc chở người và phản ứng với mệnh lệnh khi con người gọi, thúc hay kéo dây. “Ước muốn của chúng tôi là duy trì truyền thống chăn tuần lộc như tổ tiên”, ông Chuluu nói với Reuters. (Nguồn: Reuters) |
|
Ông Tumursukh Jal, kiểm lâm viên Vườn quốc gia, lớn lên trong vùng và hiểu rõ lịch sử Dukha. Ông nhấn mạnh mọi người phải tuân theo luật. “Vấn đề không phải ở người Dukha hay người Mông Cổ, mà nằm ở tình trạng săn bắn trái phép”. Trong khi đó, tại rừng taiga, người Dukha tiếp tục chăn thả hàng trăm con tuần lộc trên những khu đất trống. Những con tuần lộc sục sạo trong tuyết tìm rêu tới chạng vạng. (Nguồn: Reuters) |
(theo Zing.vn)