Khó có thể biết rằng quyết định hoãn áp thuế nhập khẩu 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc đã được Tổng thống Trump lên kế hoạch từ trước hay chỉ đến sau khi ông thưởng thức chiếc pancake tuyệt hảo trong bữa tráng miệng cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1/12 vừa qua.
Nguyên do có thể chưa rõ, nhưng kết quả của bữa tối làm việc giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới thì đã “giấy trắng mực đen”: Mỹ và Trung Quốc công bố cuộc đàm phán thành công mỹ mãn. Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng đó là “một cuộc gặp hiệu quả và tuyệt vời, với vô vàn những triển vọng cho cả Mỹ và Trung Quốc.” Theo đó, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc thu mua nông sản, năng lượng và sản phẩm công nghiệp từ Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ trì hoãn các biện pháp tăng thuế nhập khẩu mà nước này đã công bố cho đến ngày 1/3/2019. Trong bối cảnh mà chưa có gì đảm bảo cho sự thành công của những cuộc đàm phán tiếp theo, thỏa thuận này là vô cùng mong manh.
Cam kết kỳ lạ
Đầu tiên, việc Trung Quốc “hứa” tăng cường mua các sản phẩm đến từ Mỹ hiện vẫn “chưa được đồng thuận, song rất thực chất”. Nó được kỳ vọng là sẽ giảm thiểu thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc đòi hỏi Trung Quốc quản lý dòng hàng xuất khẩu là tương đối kỳ lạ, khi chính Washington thường xuyên cáo buộc Bắc Kinh duy trì một nền kinh tế “không thị trường”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2, trái) tại bữa tối làm việc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. (Nguồn: AFP) |
Thêm vào đó, xét trên khía cạnh kinh tế, ý tưởng này là không quá khả thi. Thâm hụt thương mại song phương không có nhiều ý nghĩa trong kỷ nguyên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thêm vào đó, thâm hụt thương mại song phương là một phần cốt lõi trong ngành xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc có thể tìm ra cách để thúc đẩy mua vào các sản phẩm Mỹ, nước này cũng không thể quyết định thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Họ có thể mong muốn mua đồ từ Trung Quốc, trước khi quan hệ hai nước trở nên tồi tệ hơn. Điều này thể hiện rõ trong số liệu kinh tế năm vừa qua, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng thêm 10%.
Đinh hờ trên cột
Thứ hai, việc các nhà đàm phán có 90 ngày để đồng thuận về “thay đổi căn bản trong các vấn đề như chính sách bắt buộc chyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào không thuế quan, an ninh mạng, dịch vụ và nông nghiệp” là tương đối tham vọng, trong bối cảnh niềm tin song phương đang ở mức thấp chưa từng có.
Một trong những vấn đề cơ bản trong quan hệ Mỹ - Trung là khó khăn trong việc giám sát và thi hành thỏa thuận. Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) có tiến trình giải quyết tranh chấp song tương đối chậm và còn nhiều lỗ hổng. Trong quá khứ, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần cam kết sẽ giải quyết các vấn đề song phương, nhưng hiếm có nỗ lực nào cụ thể. Ngay cả khi Washington tố cáo Bắc Kinh thực thi chính sách bắt buộc chuyển giao công nghệ, Mỹ đang phàn nàn về một điều không tồn tại trong luật pháp của Trung Quốc và các số liệu về chính sách như vậy là tương đối hiếm hoi.
Việc Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm cam kết về bắt buộc chuyển giao công nghệ đồng nghĩa rằng lần này người Mỹ sẽ “mạnh tay” hơn, chứ không đơn thuần chỉ là đe dọa áp đặt cấm vận. Khi đó, Bắc Kinh sẽ phải xây dựng các cơ chế để thể hiện rằng nước này thực sự đã thay đổi.
Nhân viên làm việc trong một nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử của Foxconn tại Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images) |
Một giải pháp bền vững hơn nhằm giải quyết căng thẳng Mỹ - Trung có thể sẽ đòi hỏi sự tham dự của bên thứ ba. Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã đồng ý với một số phàn nàn của Mỹ và đang tiến hành xây dựng một số đạo luật mới để giải quyết vấn đề này.
Về dài hạn, WTO có thể đóng vai trò quan sát viên, song đó là chỉ khi chính quyền của Tổng thống Trump không phản đối. Thượng đỉnh G20 tại Argentina cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ vẫn hờ hững với thương mại đa phương, khi mà áp lực từ thương mại song phương đã mang về nhiều lợi ích cho Washington và buộc Bắc Kinh nhượng bộ. Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ duy trì áp lực này cho đến khi đạt được những gì ông thực sự mong muốn, song chẳng có gì đảm bảo là Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nhẫn nhịn. Thỏa thuận đình chiến khi đó chỉ mang ý nghĩa trì hoãn cho một tia hy vọng mong manh.