Khói và lửa bốc lên từ nhà máy thủy điện Dnipro ở Dnipro, Ukraine, ngày 22/3, trong bối cảnh xung đột giữa nước này với Nga. (Nguồn: AP) |
Theo bộ trên, các đợt tấn công nhóm được thực hiện bằng vũ khí và máy bay không người lái (UAV) tầm xa có độ chính xác cao trên mặt đất và trên không, chủ yếu nhắm vào các cơ sở công nghiệp năng lượng của Ukraine, các doanh nghiệp của tổ hợp công nghiệp quân sự, hệ thống phòng không, kho vũ khí, kho nhiên liệu, cũng như những địa điểm triển khai của Kiev và lính đánh thuê nước ngoài.
Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết, mục tiêu của các cuộc không kích đã đạt được và tất cả các mục tiêu được chỉ định đều bị tấn công.
Cùng ngày, trang mạng Ukrayinska Pravda dẫn nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine cho hay, các lực lượng của nước này đã tấn công sân bay Morozovsk ở phía Tây Nam nước Nga bằng UAV, phá hủy 6 chiến đấu cơ.
Các máy bay cường kích Su-34 và chiến đấu cơ Su-27 mà Nga sử dụng trong cuộc xung đột với Ukraine đều đóng tại sân bay Morozovsk vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.
Trong diễn biến khác, cùng ngày 5/4, Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal cho biết, Kiev đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm quá cảnh hàng không đến Liên bang Nga, qua đó đặt ra “những vấn đề hậu cần đối với Moscow”.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Shmyhal chia sẻ: “Ý tưởng của chúng tôi là các doanh nghiệp Nga và khách du lịch Nga không thể thoải mái sử dụng bầu trời của EU. Không phận EU đã đóng đối với Không quân Nga, nhưng chúng tôi đã thảo luận với các đối tác về việc cấm quá cảnh đối với bất kỳ chuyến bay nào đến và đi từ Nga”.
Người đứng đầu chính phủ Ukraine cho rằng, bước đi như vậy có thể đặt ra “những vấn đề về hậu cần đối với Moscow, khiến chi phí trở nên đắt đỏ hơn”.
Cũng trong ngày 5/4, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte tuyên bố, nước này sẽ cung cấp cho Ukraine khoảng 3.000 UAV chiến đấu và giúp Kiev thành lập 3 trung tâm phục hồi cho binh lính.
Phát biểu họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Denys Shmyhal tại thủ đô Vilnius, Thủ tướng Simonyte xác nhận, Lithuania sẽ mua khoảng 3.000 UAV được sản xuất ở trong nước với tổng trị giá 2 triệu Euro để cung cấp cho quốc gia Đông Âu đang có xung đột với Nga và có thể bắt đầu chuyển giao ngay trong năm nay.
Ngoài ra, Vilnius cũng sẽ giúp Kiev thành lập các trung tâm phục hồi cho binh lính Ukraine ở các thành phố Lvov, Dnipro và Zhytomyr.
Bên cạnh đó, ông Simonyte còn kêu gọi EU bắt đầu đàm phán kết nạp Ukraine “càng sớm càng tốt”, đồng thời nhấn mạnh Kiev cần phải gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thủ tướng Ukraine Shmyhal đang thực hiện chuyến công du tới các quốc gia Baltic. Trước đó, ông đã đến thăm Estonia và Latvia.
Kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Vilnius đã cung cấp viện trợ trị giá hơn 1 tỷ Euro, tương đương 1,54% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cho Kiev.