📞

Một Bangladesh xa và gần

Bảo Sơn 17:00 | 26/01/2020
TGVN. Gần gũi vì những điểm tương đồng giữa hai nước và vì có một Việt Nam luôn ở trong trái tim người dân xứ Bengal…
Một góc phố của Thủ đô Dhaka.

Nhắc đến Bangladesh, bạn sẽ hình dung về đất nước này như thế nào? Chắc rằng không có quá nhiều người Việt Nam biết tới Bangladesh, hoặc nếu đã từng nghe tới quốc gia Nam Á này, thì đó có thể sẽ là một đất nước với đầy rẫy bất ổn, thường xuyên tắc đường và lụt lội. Nhưng có một Bangladesh thật khác – xa đấy mà thật gần.

Chỉ cách Việt Nam hơn 2.000 km, nhưng do chưa có đường bay thẳng nên việc di chuyển giữa hai nước khá vất vả. Thời gian quá cảnh kéo dài khiến chúng ta có cảm giác Bangladesh thật xa xôi. Nhưng khi đến đây, hòa nhịp với cuộc sống và con người, đất nước Bengal lại đem đến một cảm giác gần gũi đến lạ thường.

Thân thương những nét tương đồng

Việt Nam và Bangladesh có những nét tương đồng về ẩm thực khi thực phẩm chính vùng đất này cũng là cơm. Mặc dù có đôi chút khác biệt về khẩu vị do người Bangladesh thích ăn ngọt, cay, mặn và nhiều cà-ri, nhưng nếu muốn tự nấu những món ăn Việt, bạn sẽ không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu rau, củ quả, thịt cá... tại đây.

Tại Bangladesh, người dân rất chú trọng việc mặc, dù có thể ăn chưa ngon, nhưng mặc đẹp là điều phải ưu tiên, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Điểm thú vị và bất ngờ chính là trang phục truyền thống của người dân Bengal, cả nam và nữ, đều rất giống với trang phục áo dài của Việt Nam. Phụ nữ thì mặc Saree, ngoài ra còn mặc Salwar Kameez - một loại trang phục rất giống với áo dài của phụ nữ Việt Nam. Trang phục truyền thống của nam giới là Panjabi với những họa tiết trên được thêu thùa cầu kỳ với màu sắc sặc sỡ và cũng rất giống áo dài nam của Việt Nam.

Mỗi dịp lễ, tết, người dân Bangladesh lại náo nức đi mua sắm và diện những bộ đồ mới. Trong tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, các trung tâm thương mại, các cửa hàng quần áo thường mở cửa đến tận 12 giờ đêm, thậm chí đến 1-2 giờ sáng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân chuẩn bị cho lễ Eid-ul-Fitr – dịp lễ quan trọng và lớn nhất của người Hồi giáo.

Một điểm thú vị khác và cũng là nét tương đồng với phong tục đón Tết Nguyên đán của nước ta, đó là trước lễ Eid-ul-Fitr, người dân Bangladesh cũng nô nức đi đổi tiền mới để mừng tuổi người thân. Cứ đều đặn một năm hai lần, vào dịp lễ Eid-ul-Fitr và lễ Eid-ul-Adha, bạn sẽ được chứng kiến và cảm nhận không khí rộn ràng như không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán ở quê nhà.

Người dân đổ xô ra đường tất bật mua sắm, trang hoàng nhà cửa. Bến xe, ga tàu, sân bay tấp nập và đông kín người trở về quê, đoàn tụ với gia đình, người thân. Lúc này, Thủ đô Dhaka vốn ồn ào và đông đúc bỗng trở nên yên bình và vắng lặng trong những ngày lễ Eid-ul-Fitr và lễ Eid-ul-Adha.

Độc giả Bangladesh với cuốn sách Tiểu sử Hồ Chí Minh được dịch sang tiếng Bengali - ngôn ngữ chính tại Bangladesh.

Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, người nước ngoài đang sinh sống tại đây cũng sẽ nhận được những giỏ quà tặng gồm trái cây, chà là sấy khô, các loại bánh truyền thống và gia vị đặc trưng từ những người bạn Bangladesh, kèm theo tấm thiệp với lời chúc “Eid Mubarak”, nghĩa là chúc một mùa lễ an lành.

Việt Nam trong trái tim người dân Bangladesh

Người dân xứ Bengal hiền lành và mến khách luôn dành những tình cảm đặc biệt và sự ngưỡng mộ, kính trọng đối với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bạn có thể dễ dàng cảm nhận được điều đó qua ánh mắt trìu mến và cái bắt tay thật chặt từ những vị nguyên thủ quốc gia đến những người dân bình thường khi bạn nói: “ Tôi là người Việt Nam”.

Trong tâm thức của người dân nơi đây, hình ảnh Việt Nam gắn liền với một dân tộc kiên cường và bất khuất trong đấu tranh giải phóng dân tộc, một đất nước xinh đẹp và quyến rũ với nhiều danh lam thắng cảnh, một nền kinh tế năng động và đang phát triển nhanh chóng. Người dân Bangladesh cũng đã từng trải qua chín tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc (3-12/1971) với bao đau thương, mất mát. Do vậy, hơn ai hết, họ cảm nhận sâu sắc sự kiên cường và anh dũng của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Nhiều lãnh đạo cấp cao và người dân Bangladesh không giấu nổi niềm tự hào khi chia sẻ rằng, họ đã từng trực tiếp xuống đường ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ Tổng thống, Thủ tướng đến các chính khách, học giả, nhà báo Bangladesh đều say sưa và bồi hồi khi nhắc về những ngày cả hai dân tộc cùng phải trải qua gian khổ nhưng hào hùng.

Trong những câu chuyện, họ luôn nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thật xúc động và tự hào khi nhìn thấy bức ảnh chân dung và bức tượng Hồ Chủ tịch được đặt ngay ngắn và trang trọng trong phòng làm việc của Chủ tịch Đảng Cộng sản Bangladesh. Đó còn là khi người dân Bangladesh chăm chú và say sưa đọc những trang sách về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người được dịch sang tiếng Bengali với tất cả tình yêu và sự kính trọng.

Thật xúc động và tự hào khi nhìn thấy các nghệ sỹ trẻ của Bangladesh hóa thân vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh và miệt mài tập luyện trên sân khấu với mong muốn khắc họa chân thực nhất hình tượng Người Cha của dân tộc Việt Nam và lan tỏa mạnh mẽ nhất những tuyên ngôn, chân lý bất hủ của Người tới đông đảo người dân sở tại và bạn bè quốc tế.

Các nghệ sỹ Bangladesh biểu diễn tác phẩm nhạc vũ kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dhaka tháng 9/2019.

Tình yêu và sự ngưỡng mộ đó đang được nối dài từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, từ những thế hệ trực tiếp xuống đường ủng hộ Việt Nam tới các bạn trẻ chỉ biết tới Việt Nam – Hồ Chí Minh qua những trang sách, thước phim.

Việt Nam - Hồ Chí Minh dường như đã không còn là tên gọi thông thường nữa mà đã in sâu trong trái tim người dân Bangladesh, trở thành biểu tượng, hình mẫu truyền cảm hứng và động lực mạnh mẽ cho người dân nơi đây trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập trước đây và cả trong giai đoạn hiện nay khi Bangladesh đang nỗ lực chấn hưng đất nước.

Vượt ra khỏi những hình dung ban đầu không mấy thiện cảm về Bangladesh, xứ sở Bengal hiện lên thật thân thương và gần gũi với hai gam màu xanh lá và màu đỏ đặc trưng trên quốc kỳ. Đó là màu xanh miên man và bất tận của những cánh đồng lúa đương thì con gái, như khung cảnh yên bình của làng quê Việt Nam. Đó là màu đỏ ấm áp và nồng hậu của những con người Bangladesh thân thiện và yêu mến Việt Nam.

Như câu nói nổi tiếng của danh nhân Tagore – một người có ảnh hưởng lớn tới văn học Bangladesh: “Tình bạn sâu sắc không phụ thuộc vào thời gian quen biết”, những điểm tương đồng, sự quý mến và trân trọng mà người dân hai nước dành cho nhau như mạch nguồn thuần khiết nuôi dưỡng cây tình bạn Việt Nam - Bangladesh luôn xanh mướt và nở hoa.

Bất chợt tôi lại nhớ đến câu nói chân tình của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina: “Việt Nam luôn ở trong trái tim Bangladesh”.