📞

Một cách khác trong cảm thụ nhạc - họa

08:00 | 18/06/2017
Tối cuối tuần qua, không gian văn hóa của tổ chức phi chính phủ V- Art (Hà Nội) rất đặc biệt. Ở đó diễn ra một chương trình nghệ thuật kết hợp giữa âm nhạc và hội họa: “Let’s go! That Heaven” (Chúng ta hãy cùng đi, thiên đường ngay trước mắt).

Bước vào không gian văn hóa này, khách tham quan sẽ choáng ngợp trước 40 bức tranh của họa sỹ Nguyễn Nghĩa Cương, mang hơi thở của thời kỳ Phục Hưng - đầy chất hiện thực, nhưng cũng đầy bí hiểm. Trong khi đó, nhóm nhạc V-SE, đều là những tay chơi nhạc có tiếng như Linh Giang, Thu Thảo, Tú Cầu, Minh Hoa, Kiều Hoa, Hà Huy, Việt Dũng,… tấu lên những khúc nhạc cổ điển thời Phục Hưng với các tác phẩm kinh điển như: “Salut D’amour” (Xin chào tình yêu) của Edward Elga, Swan (Hồ Thiên Nga) của Peter Ilyich Tchaikovsky… Chương trình âm nhạc khiến người xem xúc cảm và thăng hoa cùng hội họa. 

Họa sỹ Nguyễn Nghĩa Cương (trái) đang chia sẻ cảm xúc của mình trong chương trình. (Ảnh: MH)

Chia sẻ với tôi, họa sỹ Nghĩa Cương cho biết: “Âm nhạc và hội họa rất đồng điệu. Những bức tranh của tôi hôm nay mang hai cảm hứng chính: Thiên đường và Nụ cười. Người ta hay mơ đến thiên đường - một nơi nào đó cực kỳ tốt đẹp và lung linh. Tôi lại muốn nói rằng, thiên đường ở ngay trước mắt chúng ta. Cảm hứng tiếp đó là Nụ cười, tôi lấy từ sự vui tươi của Phật Di Lặc, với hình hài của ông trong cuộc sống hiện đại”.

Anh Trần Văn Thành - khách mời của sự kiện cảm nhận: “Tôi thấy phấn khích hơn khi xem tranh của họa sỹ Nghĩa Cương trong nền nhạc. Tôi thích cả tranh và âm nhạc thời Phục Hưng. Họa sỹ đã mượn đề tài Phục Hưng để biến tấu những tác phẩm của mình như tranh nàng Mona Lisa khi đã già, tóc bạc bên những người cháu dễ thương; hay một bức họa khác có nội dung khôi hài về chàng nghệ sỹ để tranh nàng Mona Lisa lên thờ theo phong tục phương Đông, nhưng nàng đã từ chối… Vừa được xem tranh và nghe nhạc Phục Hưng cùng lúc có cảm giác rất thú vị”.

Chị Doãn Linh Giang – đại diện Ban Tổ chức chương trình cho biết: “Hội họa ra đời trước âm nhạc, nhưng hai loại hình nghệ thuật này luôn song song. Hội họa dùng màu sắc, còn âm nhạc dùng nốt nhạc vẽ nên cuộc sống. Dù có những nét tương đồng vậy, nhưng những buổi triển lãm tranh kết hợp âm nhạc chưa phổ biến tại Việt Nam. Là một người dạy nhạc, tôi muốn thị giác và thính giác của người xem được cùng cảm nhận, để có định nghĩa dễ nhất cho riêng mình”.

Đặc biệt, nghệ sỹ Doãn Linh Giang đã lựa chọn những tác phẩm âm nhạc sôi động như: Blue (nhạc Jazz), Liber Tango (nhạc tango) và bản Salsa (nhạc và vũ công nhảy) đầy ngẫu hứng để khép lại chương trình. Phần biểu diễn đã thành công đến nỗi làm “tan chảy” nhiều trái tim tại khán phòng.