Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hội đàm tại Moscow, ngày 8/5. (Nguồn: Reuters) |
Tuyên bố dẫn lời ông Miller nêu rõ, hai quan chức đã thực hiện cuộc điện đàm hôm 12/9, nội dung thảo luận về mối quan hệ ngày càng mở rộng giữa Mỹ và Armenia, bao gồm “hợp tác về năng lượng, thương mại, đầu tư và giáo dục”.
Theo mạng tin Eurasianet.org ngày 8/9, Armenia đang nổi lên như một điểm nóng về năng lượng hạt nhân khi nước này cân nhắc rút khỏi thỏa thuận với Nga để hợp tác với Mỹ.
Nhà máy điện hạt nhân Metsamor, được xây dựng từ năm 1976, đã hoạt động gần hết vòng đời và hiện đóng góp khoảng 40% nhu cầu điện của Armenia. Mặc dù Armenia đã ký thỏa thuận với Nga vào cuối năm 2023 để nâng cấp và kéo dài hoạt động của nhà máy đến năm 2036, nhưng với mối quan hệ song phương đang rơi vào tình trạng bế tắc, Yerevan đang tìm kiếm các lựa chọn năng lượng hạt nhân khác nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Moscow.
Hiện tại, Armenia nhập khẩu tới 80% nhu cầu năng lượng từ Nga, phần lớn là nhiên liệu hóa thạch.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân ở Brussels rằng năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Armenia, giúp đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Armenia và Nga đang xấu đi, các quan chức chính phủ Armenia đã bày tỏ quan tâm đến hợp tác với Mỹ để xây dựng một nhà máy hạt nhân mới.
Armenia đang tìm cách xây dựng một nhà máy điện hạt nhân hiện đại hơn, đồng thời giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, đặc biệt là khi nhà máy Metsamor đã bị lo ngại về an toàn trong nhiều năm qua. Vào tháng 8/2023, Metsamor đã phải tạm dừng hoạt động sau khi bị sét đánh, làm dấy lên lo ngại về tính bền vững và an toàn của cơ sở này.
Quan hệ giữa Nga và đồng minh truyền thống Armenia đã trở nên căng thẳng trong thời gian qua.
Armenia tỏ ra không hài lòng với Nga vì cho rằng Moscow chưa có các động thái đủ mạnh mẽ hỗ trợ đồng minh Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) trong cuộc xung đột với Azerbaijan ở Nagorno - Karabakh. Đây là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận là thuộc về Azerbaijan nhưng có phần lớn người dân là người gốc Armenia sinh sống.
Sau khi Azerbaijan giành lại quyền kiểm soát khu vực Nagorno - Karabakh, Armenia cho biết họ nhiều lần bị Moscow làm thất vọng và muốn xây dựng quan hệ gần gũi hơn với phương Tây.
Moscow kêu gọi Armenia đừng bị phương Tây lừa dối và khiến Yerevan lạc lối.
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm ngày 12/9, Ngoại trưởng Blinken và Thủ tướng Pashinyan đã tái khẳng định tầm quan trọng của nền hòa bình “bền vững và xứng đáng” giữa Armenia và Azerbaijan. Theo tuyên bố, Ngoại trưởng Blinken hoan nghênh những tiến triển giữa Armenia và Azerbaijan, trong đó có thỏa thuận phân định biên giới giữa hai nước.
Theo thông tin của AFP, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Putin đã hội đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan vào ngày 8/5 sau nhiều tháng căng thẳng. Cuộc hội đàm diễn ra lúc ông Pashinyan đến thăm Moscow trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Kinh tế Á-Âu. Tại đây, ông Putin còn nói rằng, "chúng tôi luôn quan tâm đến hợp tác kinh tế trên hết", không đề cập đến căng thẳng.