TIN LIÊN QUAN | |
Cộng đồng kinh tế ASEAN: Những trở ngại và tiềm năng | |
Quản lý thiên tai và tương lai của sự gắn kết ASEAN |
Tiến sĩ Seree Nonthasoot là đại diện của Thái Lan tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). Ông, cùng với các đại diện khác của AICHR, đang nỗ lực để phát triển một công cụ khu vực nhằm tăng quyền của người khuyết tật trong cộng đồng ASEAN. Báo Thế giới & Việt Nam xin giới thiệu bài viết của ông đăng trên tờ Bangkok Post:
Cộng đồng ASEAN ra đời, cùng với Tầm nhìn ASEAN 2025, đều hướng tới triển vọng mới về quyền con người.
Theo Tầm nhìn 2025, ASEAN cam kết tạo ra một cộng đồng liên kết với việc thúc đẩy nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện tiếp cận cho tất cả người dân, bao gồm cả người khuyết tật.
Tiến sĩ Seree Nonthasoot phát biểu khai mạc Khóa Đào tạo về Quyền của người khuyết tật tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 11-14/10. (Ảnh: H.V) |
Trong khuôn khổ Chương trình ưu tiên 2016 của AICHR, Thái Lan đã chủ trì tổ chức Khóa Đào tạo về Quyền của người khuyết tật tại Bangkok, từ ngày 11-14/10. Mục tiêu của khóa đào tạo nhằm trang bị kiến thức về người khuyết tật và các văn kiện quốc tế liên quan; tăng cường nhận thức xã hội về vấn đề ngày; và tạo mạng lưới chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật. Khóa đạo tạo có sự tham dự của gần 50 quan chức, học giả, cán bộ dự án, nhà báo... đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN. |
Hồi tháng 4 vừa qua, Brunei Darussalam trở thành nước thứ 10 trong ASEAN phê chuẩn Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD). Đây được coi là bước phát triển đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy quyền cho người khuyết tật trong ASEAN.
Sau Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và Công ước về Quyền trẻ em, CRPD trở thành công ước thứ 3 về quyền con người mà tất cả các quốc gia ASEAN đều là thành viên. Việc các quốc gia trong Hiệp hội cùng phê chuẩn CRPD giúp tăng cường nhận thức của khu vực, theo đó, người khuyết tật phải được hưởng các quyền và bình đẳng với tất cả mọi người và không bị phân biệt đối xử bởi những khiếm khuyết của họ.
Những cam kết chung giữa các chính phủ ASEAN về người khuyết tật sẽ tạo thuận lợi cho việc hoạch định chính sách và cải thiện việc thực hiện các vấn đề về người khuyết tật ở cấp khu vực. Hợp tác ở cấp độ khu vực và quốc gia có hiệu quả sẽ thúc đẩy việc bảo vệ các quyền của người khuyết tật.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số trở ngại và các quốc gia thành viên cần chung tay giải quyết, trong đó có ba vấn đề cơ bản sau:
Thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện
Số liệu về số lượng người khuyết tật ở các nước ASEAN là khác nhau trong các thống kê. Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) ước tính, 1/6 người dân ở châu Á - Thái Bình Dương đang sống chung với một số dạng thức của khuyết tật. Căn cứ vào số liệu này, có thể ước đoán, có khoảng 100 triệu người khuyết tật trong khu vực ASEAN (trên tổng số 625 triệu dân).
Tuy nhiên, một số nước ASEAN báo cáo ít hơn 1% dân số là người tàn tật, trong khi những nước khác lại không cung cấp số liệu thống kê. Để có thể đưa ra chính sách hiệu quả thì phải được dựa trên các số liệu đáng tin cậy. Việc xác định đúng đối tượng người khuyết tật là rất cần thiết cho việc thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của họ. Nếu ASEAN đang thực sự nỗ lực cho một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân thì phải nâng cao chất lượng dữ liệu và hệ thống thu thập thống kê ở cấp quốc gia và khu vực. Đó là một bước quan trọng đầu tiên hướng tới một hệ thống bảo vệ toàn diện cho người khuyết tật.
Nhận thức tiêu cực
Người khuyết tật phải đối mặt với nhiều rào cản mà một trong những rào cản lớn nhất dường như được dựng lên chính trong suy nghĩ và nhận thức của cộng đồng. Ở nhiều quốc gia ASEAN, có những quan niệm rằng, một người bị khuyết tật là kết quả của những việc xấu mà họ đã làm trong quá khứ hay hiện tại, hoặc bắt nguồn từ những sai lầm của những bậc sinh thành.
Một số nhà làm chính sách vẫn coi người khuyết tật như một “căn bệnh” cần được chữa trị và những người khuyết tật là những công dân luôn luôn phụ thuộc vào phúc lợi xã hội. Sự kỳ thị liên quan đến người khuyết tật cũng khiến các bậc cha mẹ có con khuyết tật ngại ngần cho phép con cái họ tham gia đời sống cộng đồng. Điều đó vô tình làm gia tăng sự cách biệt cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử với người khuyết tật.
Khóa đào tạo về Quyền của người khuyết tật tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 11-14/10. (Ảnh: H.V) |
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý rằng, không phải tất cả các nhóm người khuyết tật đều giống nhau. Một số nhóm bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, người di cư và cộng đồng người đồng giới bị khuyết tật dễ bị tổn thương hơn so với những nhóm người khuyết tật khác và chịu nhiều sự phân biệt đối xử hơn. Trong khi nhận thức và thực hành không thể thay đổi một cách có hệ thống thông qua pháp luật, một nỗ lực phối hợp nhằm nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật sẽ thúc đẩy các chính sách thuận lợi hơn cho người khuyết tật, trao quyền thêm quyền cho họ để trở thành những công dân tích cực trong ASEAN.
Thiếu nhận thức và điều phối khu vực
Các quyền của người khuyết tật phải được tôn trọng và được bảo vệ bởi cả các chính phủ trong 10 quốc gia thành viên cũng như cộng đồng ASEAN.
Người khuyết tật phải được hưởng quyền của mình trong mọi khía cạnh của Cộng đồng ASEAN, kể cả trong chính trị, an ninh và kinh tế. Là một công dân, họ có quyền bầu cử, ứng cử và tiếp cận đối với các tòa nhà, nơi làm việc, địa điểm tổ chức thể thao... Là doanh nhân, họ có quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính và các cơ hội kinh tế. Là công nhân, họ có quyền làm việc bình đẳng và hưởng lương công bằng.
Nói tóm lại, một nguyên tắc cần được đảm bảo: đó là cuộc sống của người khuyết tật liên quan đến tất cả các trụ cột của Cộng đồng ASEAN và ASEAN có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của các công dân của mình. Thật đáng tiếc, đối với một số người, khi đề cập đến Cộng đồng ASEAN, quyền của người khuyết tật dường như chỉ thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội và thậm chí xem đó như là một vấn đề phúc lợi hơn là một vấn đề thuộc về quyền con người.
Thật đáng lưu ý khi AICHR, các cơ quan nhân quyền quan trọng của ASEAN, được thành lập bởi Hiến chương ASEAN vào năm 2009, đã chú trọng đến việc hỗ trợ và lồng ghép các quyền của người khuyết tật qua những trụ cột của ASEAN, đặc biệt là theo Tầm nhìn ASEAN 2025.
Còn quá sớm để chỉ ra cấu trúc của một công cụ mới trong khu vực hỗ trợ cho người khuyết tật nhưng chắc chắn nó không chỉ đơn thuần lặp lại các nội dung của các văn kiện ASEAN hiện có về người khuyết tật như Tuyên bố Bali năm 2011 và Tuyên bố ASEAN về Tăng cường sức mạnh xã hội năm 2013.
Hy vọng rằng, ngoài việc áp dụng các biện pháp đúng đắn về quyền của người khuyết tật trong các trụ cột cộng đồng ASEAN, chúng ta có thể tìm ra các giải pháp khu vực đối với các vấn đề cơ bản hơn như việc có một cơ sở dữ liệu hệ thống về người khuyết tật và các chương trình nâng cao nhận thức rõ ràng hơn. Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách ASEAN có những chính sách thực tiễn hơn, làm cho ASEAN trở thành một cộng đồng không có các rào cản đối với người khuyết tật.
Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội đồng Nhân quyền LHQ Đoàn Việt Nam tham dự khóa họp 33 Hội đồng Nhân quyền LHQ, do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng dẫn đầu, ... |
Hợp tác quốc tế và khu vực là yếu tố then chốt giúp phát triển bền vững Ngày 26/9, trong khuôn khổ Khoá họp lần thứ 33, Hội đồng Nhân quyền đã tổ chức Phiên thảo luận thường kỳ và Phiên thảo ... |
Việt Nam khẳng định coi trọng giáo dục về quyền con người Trong thời gian là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm, với ... |