📞

Một năm thực thi UKVFTA: Xuất khẩu sang Anh tăng trưởng ấn tượng

Vân Chi 19:30 | 15/03/2022
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, sau một năm thực thi, UKVFTA đã giúp cho quan hệ thương mại Việt Nam-Anh đạt nhiều kết quả khả quan.
Hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới" ngày 15/3 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi)

Chiều 15/3, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới" nhằm đánh giá về vai trò của Hiệp định và bàn phương hướng, giải pháp tận dụng Hiệp định để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam-Anh trong thời gian tới.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) được ký chính thức tại London (Anh) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.

Theo Bộ Công Thương, sau một năm UKVFTA có hiệu lực tạm thời, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Anh tăng trưởng tốt. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2021 kim ngạch song phương Việt - Anh đạt 6,61 tỷ USD, tăng trưởng 17,24%.

Ở chiều xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,7 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Anh gần 900 triệu USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD. Hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt.

Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lần lượt là các mặt hàng: Sắt thép (1.183%); cao su (82,3%); nông sản (70,8%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%); hạt tiêu (48%); phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%); gốm sứ (35,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%).

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, UKVFTA đã giúp quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Ngay năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, đã tận dụng được ưu đãi thuế quan sang thị trường này. Nhiều mặt hàng của Việt Nam tăng trưởng tốt như hạt tiêu, rau quả… đã có kim ngạch xuất khẩu tăng tốt.

“Cùng với đó, trong Hiệp định cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, nhập khẩu miễn thuế một số hàng hóa bổ sung vào Vương quốc Anh, nhiều sản phẩm được bảo hộ tại quốc gia này, tạo tiền đề cho các sản phẩm này thâm nhập sâu vào thị trường Anh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, nước Anh sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có một số nước ASEAN. Lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam đang có sẽ sớm mất đi nếu Anh có hiệp định với các quốc gia khác, nên cần nhanh chóng thâm nhập thị trường này.

Để biến các tiềm năng trở thành lợi ích thực sự thì các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam cũng như Anh cần tiếp tục đánh giá và xác định những khó khăn, vấn đề còn tồn tại, tìm ra giải pháp khắc phục một cách có hiệu quả nhất.

Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu nội dung của Hiệp định, sau đó tìm hiểu quy định của Anh với hàng nhập khẩu, qua đó, hoàn thiện sản phẩm hàng hóa của mình để đáp ứng yêu cầu của Anh, thường xuyên nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Nghị sĩ Graham Stuart, Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia khẳng định, UKVFTA thực sự là một trụ cột quan trọng để thể hiện cam kết chung giữa hai bên, hiện thực hóa từ mối quan hệ thương mại song phương.

Chia sẻ niềm vui khi thấy Việt Nam đang hướng tới một cách tiếp cận tăng trưởng toàn diện, Nghị sĩ Graham Stuart tin tưởng sẽ có rất nhiều dự án, đặc biệt dự án về điện gió ngoài khơi của Việt Nam được doanh nghiệp Anh đăng ký đầu tư...Đây là một trong những nền tảng quan trọng mà Anh có thể chia sẻ các kinh nghiệm trong lĩnh này với Việt Nam.

Đánh giá về sự hiểu biết của doanh nghiệp về UKVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng doanh nghiệp Việt đã tận dụng tương đối tốt hiệp định này, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết về hiệp định chưa cao.

“Để tận dụng tốt UKVFTA, việc đầu tiên doanh nghiệp mong chờ các cơ quan, bộ ngành là thông tin về các cam kết cũng như cách thức tổ chức, thực hiện. Không phải chỉ câu chuyện hạn ngạch là bao nhiêu, ngoài hạn ngạch là thế nào mà là cơ chế để được cấp hạn ngạch như thế nào. Câu chuyện liên quan đến thực thi về cơ chế để thực thi cam kết không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước nhiều khi cũng lúng túng”, bà Trang dẫn chứng.

Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, ngoài nông sản, dược phẩm, y tế… thông qua UKVFTA, Việt Nam và Anh còn rất nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng hậu đại dịch Covid-19 như năng lượng sạch, du lịch, tài chính…