📞

Một ngày khám phá đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Linh Chi 19:58 | 05/08/2023
Ngày 5/8, đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch nổi tiếng tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi như chùa Hang, cổng Tò Vò, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa...

Hoạt động trên nằm trong chương trình quảng bá các điểm tham quan, du lịch tỉnh Quảng Ngãi và giới thiệu về Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh tới các cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Chương trình do Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức từ ngày 3-6/8.

Lý Sơn là huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ khoảng 30km. Hòn đảo này nổi tiếng bởi có kiến tạo địa chất đặc biệt, từ hiện tượng phun trào và tắt đi của núi lửa hàng triệu năm trước đã tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ bí, mê hoặc lòng người như vách đá Hang Câu, Chùa Hang, cổng Tò Vò, miệng núi lửa Giếng Tiền, Thới Lới…

Đảo là nơi lưu giữ nhiều vết tích của cư dân Sa Huỳnh 2.500 năm trước. Nơi đây có 30 điểm di sản địa chất và văn hóa đan xen lẫn nhau. Những độc đáo về địa chất, văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu khoa học cũng như phát triển các loại hình sản phẩm du lịch trên đảo.

Đảo Lý Sơn rộng 1.000 ha, cách đất liền 15 hải lý. (Ảnh: Alex Cao)
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cột cờ Lý Sơn, tọa lạc trên đỉnh Thới Lới, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. (Ảnh: L.C)
Chùa Hang nằm ở phía Bắc núi Thới Lới, nơi có miệng núi lửa trước đây tạo thành hồ nước lớn. Ở đây vừa thờ Phật, vừa là nơi thờ các vị tiền hiền đã góp công khai hoang, dựng xây các làng xóm trên đảo. Đường lên chùa vòng qua eo núi và du khách có thể chiêm ngưỡng những thảm cỏ, phong cảnh xóm làng, cánh đồng trồng hành tỏi dưới chân núi. Theo hướng dẫn viên, những ghi chép của nhà khảo cổ học người Pháp H. Parmentier, lời khẩu truyền trong dân gian và một vài dấu tích ít ỏi còn lại cho thấy, chùa Hang từng là một hang đá mà người Chăm sử dụng làm nơi cư trú hoặc thờ tự. (Ảnh: L.C)
Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật được sưu tầm, phục dựng gắn với đội hùng binh Hoàng Sa cách đây hơn 400 năm, nơi nhắc nhớ mỗi người về chủ quyền đất nước và niềm tự hào dân tộc. Được khởi công xây dựng từ năm 2010, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tọa lạc trong khuôn viên thoáng đãng rộng chừng 400 m2. Những dấu mốc, hiện vật gắn liền hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa đều được thể hiện khá rõ nét tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Hình ảnh khách du lịch nghe thuyết minh về các hiện vật tại nhà trưng bày. (Ảnh: L.C)
Du khách tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa. (Ảnh: L.C)
Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam thăm di tích khảo cổ xóm Ốc. Đây là một trong hai di tích Tiền-Sơ sử được phát hiện trên đảo Lý Sơn. Kết quả khai quật tại di tích khảo cổ xóm Ốc cho thấy, nơi đây mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh, thể hiện quá trình hình thành và phát triển mạnh mẽ của văn hóa này ở khu vực đảo ven bờ ở miền Trung Việt Nam. (Ảnh: L.C)
Đoàn đến thăm Nhà trưng bày bộ xương cá Ông (cá voi). Đây là sản phẩm du lịch mới, lạ, hấp dẫn tại Lý Sơn. Dự án phục chế bộ xương và nhà trưng bày cá Ông nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá tâm linh, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu và phát triển du lịch của huyện đảo Lý Sơn trong tương lai. (Ảnh: L.C)
Toàn cảnh bộ xương cá Ông tại nhà trưng bày. Anh Phạm Đức Anh, quay phim ở Đài truyền hình NHK tại Việt Nam chia sẻ: "Lần đầu tiên trong đời, tôi được tận mắt chiêm ngưỡng bộ xương cá Ông lớn như thế này. Thật sự là ngoài sức tưởng tượng, dù tôi đã xem qua sách báo cũng như mạng xã hội". (Ảnh: L.C)
Cổng Tò Vò tại đảo Lý Sơn là điểm đến của hàng triệu du khách khi tham quan đảo Lý Sơn. Các nhà khoa học đánh giá, cổng này có niên đại từ 3.000-4.000 năm tuổi. Theo UBND huyện Lý Sơn, cổng Tò Vò dài khoảng 20m, đỉnh cổng cao hơn bề mặt mài mòn biển khoảng 5m, điểm hẹp nhất rộng khoảng 2m, là cổng đá trầm tích núi lửa tự nhiên được hình thành từ trầm tích núi lửa cách đây hàng triệu năm. (Ảnh: L.C)
Anh Phạm Thanh Nghị - Trợ lý báo chí hãng Central News Agency phỏng vấn người dân trồng tỏi tại Lý Sơn. Ngoài mang lại giá trị kinh tế cao, nghề trồng hành, tỏi của người dân Lý Sơn còn góp phần làm cho thảm thực vật xanh của đảo thêm phong phú và phát triển bền vững. Ngoài ra, đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam còn được trải nghiệm trồng hành tại Farmstay Đảo Xanh. (Ảnh: L.C)