Nhỏ Bình thường Lớn

Một số nét tâm lý Mỹ [Kỳ 1]

Mỗi người sinh ra và lớn lên trong một môi trường văn hóa nhất định. Khi đột nhiên sống một thời gian dài trong môi trường văn hóa khác, thế nào người ta cũng bị choáng váng, bị “cú sốc về văn hóa” (culture shock).
nha-van-hoa-huu-ngoc-nguoi-my-nghi-gi-ky-2
Ảnh minh họa.

Hiện tượng này có thể chia ra làm bốn thời kỳ: một là, thời kỳ trăng mật, độ một hai tháng (người ta thích thú phát hiện cảnh lạ, người mới); hai là, hoang mang, choáng váng, sốc (thấy ứng xử của họ kỳ lạ, dớ dẩn, xấu…); ba là, tìm cách điều chỉnh ứng xử của bản thân (cho phù hợp với họ. Không hiểu họ sai hay ta đúng mà tìm hiểu tại sao họ lại ứng xử theo cách của họ); bốn là, hòa nhập (chấp nhận ứng xử của họ (sau 6-12 tháng).

Trong tác phẩm Culture Shock! USA (Graphic Arts Center Publishing Company - Portland, Oregon-1991), Esther Wanning đã phân tích những đặc điểm của văn hóa Mỹ khiến người nước ngoài bị sốc khi tiếp xúc với người Mỹ. Dưới đây, xin trích lược dịch một số nét tâm lý Mỹ.

Không hiểu làm sao mà bất cứ ở sân ga nào trên thế giới, ai cũng có thể nhận ra ngay một người Mỹ? Mặc dù người Mỹ có nhiều gốc rễ, nhưng quả thật là họ có một phong cách Mỹ. Mỹ có người dè dặt, có người ngổ ngáo, có người hay nói, có người lầm lỳ, nhưng tính chất Mỹ không thể nhầm lẫn được.

Sự thân thiện – Người nước ngoài đều công nhận là người Mỹ thân thiện, cởi mở. Rất ít người Mỹ tỏ vẻ kênh kiệu mặc dù trong thâm tâm họ tự coi mình trên thiên hạ. Tổng thống Mỹ thường nhấn mạnh ông cũng là một người bình thường như người khác. Một giáo sư đại học đi câu cá cùng với những người thợ hàn ống nước là chuyện thường. Gặp bất cứ ai, người Mỹ cũng chào một cách thân thiện bằng từ “Hi”! Đó là sự thể hiện của ý thức bình đẳng. Gặp người láng giềng thế nào cũng chào “Hello”. Thân thiện nhưng không có nghĩa là bạn bè, thân thiện chẳng qua chỉ thể hiện hành vi dân chủ. Có người ngoại quốc vội vàng cho đó là tình bạn thì quả là hơi vội và sau đó sẽ đi đến kết luận là tình bạn ở Mỹ thật là hời hợt. Từ bạn “friend” thực ra để chỉ người quen nói chung. “Bạn” thực sự thì ở Mỹ cũng hiếm như mọi nơi.

Tình cảm - người Mỹ cho là không cần giấu giếm tình cảm. Nhiều khi họ lại bộc lộ hơi thái quá. Thí dụ gặp người quen thường cũng có khi nói “It’s great to see you. You look fabulous. Let’s have lunch soon”. Những tình cảm trên chẳng qua chỉ có nghĩa: gặp nhau và trao đổi với nhau ở góc phố này quả là thú vị. Còn về bữa ăn trưa mời nhau, thì cũng chưa hẳn là mời thực sự. Người Mỹ nói một cách hồ hởi: “I like you” (tôi thích anh) thì có thể người châu Á cho là họ nói hơi bốc. Khi hài lòng, người Mỹ mỉm cười rạng rỡ, khoa chân múa tay, hoặc tuyên bố ầm ĩ “This is marvellous, best news I’ve ever heard” (thật kỳ diệu, tin tuyệt vời nhất mà tôi được nghe). Khác người châu Á, người Mỹ chỉ mỉm cười khi được biết tin lành hay hài lòng. Người Mỹ không mỉm cười để che đậy sự lúng túng; thể hiện sự buồn rầu thường khó khăn hơn đối với họ.

Giao tiếp bằng xúc giác – Người Mỹ thường tránh điều này trừ khi ôm, hôn, cầm tay nhau, gặp nhau hay từ biệt nhau; người lớn thường chỉ có tiếp xúc bằng xúc giác trong trường hợp tình dục. Có một người đàn ông Nga, trong khi tình cảm tràn trề, thân mật để tay lên đùi người bạn đàn ông Mỹ thì người Mỹ giật bắn mình lên. Thường hai người Mỹ không nắm tay nhau thân mật. Đàn ông có thể vỗ lưng nhau, bóp chặt tay nhau, nhưng tránh va chạm da thịt để có thể nhắc nhở tình dục. Trong khi nói chuyện, bao giờ cũng xa nhau một sải tay trừ khi khá thân mật; người ta tránh phả hơi thở vào mặt người tiếp chuyện.

Trò chuyện – Để tăng tính chất khẳng định, người Mỹ thường nói khá to, ít nhất là to hơn người Thái và người Malaysia. Những người không biết tính họ nhiều khi tưởng họ tức giận gì. Người Mỹ dễ chấp nhận tức giận hơn người châu Á, nhất là khi tức giận có lý do. Dĩ nhiên, khi tức giận đến mức mất tự chủ thì cũng không được coi là điều hay. Nói chuyện phải nhìn thẳng vào mắt người đối thoại, nếu không sẽ bị coi là không ngay thẳng; mặc dù sau vài giây lại phải nhìn đi nơi khác cho đỡ căng.

Nghi thức xã giao – Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ không có môi trường lịch sử - xã hội lâu dài. Do đó, công thức xã giao không quan trọng như ở các nước khác. Xã giao quá đáng ở Mỹ có thể còn bị coi là phản dân chủ, nhất là xã giao phân biệt giai cấp. Ít để ý đến nghi thức xã giao khiến cho vấn đề hòa đồng dân tộc dễ dàng, người Mỹ cũng dễ tha thứ cho người nước ngoài sự vụng về xã giao. Chỉ có lá cờ Hoa Kỳ là thiêng liêng trong sinh hoạt cộng đồng, nhưng pháp luật cũng bảo vệ cả quyền tôn trọng lá cờ ấy.

Lễ phép – Người nước ngoài nhận thấy người Mỹ tuy không hình thức nhưng lại lễ phép. Cảm tưởng ấy có thể do những từ cửa miệng của họ: “Thank you” (cảm ơn), Please (làm ơn), hoặc do thái độ tôn trọng người nước ngoài. Người Mỹ chướng tai khi thấy người khác xẵng giọng với người phục vụ. Đối với họ, cần tôn trọng người hầu bàn hay bất cứ người phục vụ nào, có thái độ đối với họ như đối với bác sĩ hay thượng nghị sĩ. Đánh giá về sự lễ phép Mỹ cũng tùy dân tộc: người Nhật thì cho là người Mỹ thô lỗ, phân biệt đối xử, trong khi ứng xử người Mỹ chỉ ở mức bình thường. Các địa phương cũng khác nhau: dân New York có tiếng là thô lỗ, nhưng lại hay giúp đỡ mọi người. Nói chung, người Mỹ có lễ độ ở nơi công cộng hơn ở nhà…

Những điều cấm kỵ - Không được nấc, trung tiện, không được nhổ, ngay cả ở sân nhà mình. Không nhai kẹo gôm lép bép, mặc dù giai cấp thượng lưu có khi vẫn làm. Không nhìn trừng trừng người không nói chuyện với mình. Che mồm khi ngáp, ho hay hắt hơi; tốt nhất là nói thêm “xin lỗi”. Đừng huýt sáo với phụ nữ. Vào nhà, đàn ông phải bỏ mũ ra.

Có hay không một nền văn hóa Mỹ? [Kỳ 4]

Có hay không một nền văn hóa Mỹ? [Kỳ 4]

Nhà hoạt động xã hội Barbara B. Bird chia sẻ về nền văn hóa Mỹ.

Một thoáng văn hoá Mỹ: Hành vi Mỹ

Một thoáng văn hoá Mỹ: Hành vi Mỹ

Một số đặc điểm về hành vi của người Mỹ theo ông Alison Raymond Lanier, người viết tác phẩm Sống ở Mỹ.

Một thoáng văn hoá Mỹ: Lề thói Mỹ

Một thoáng văn hoá Mỹ: Lề thói Mỹ

Qua hàng trăm lần chuyện trò, qua kinh nghiệm quan sát ứng xử của người Mỹ, nghiên cứu và suy nghĩ tổng hợp, ông Gary ...

Độc đáo Lễ hội rước ‘vua, chúa sống’ tại Đông Anh, Hà Nội

Độc đáo Lễ hội rước ‘vua, chúa sống’ tại Đông Anh, Hà Nội

Cứ vào dịp đầu Xuân năm mới, xã Thụy Lâm nói chung và người dân làng Thụy Lôi nói riêng lại tổ chức Lễ hội ...

Thăm nhà minh tinh Bollywood

Thăm nhà minh tinh Bollywood

Ghé thăm không gian sống của những người nổi tiếng của điện ảnh Ấn Độ có thể truyền cảm hứng để bạn làm đẹp ngôi ...