📞

Một thoáng văn học Đan Mạch [Kỳ 6]

HỮU NGỌC 09:00 | 12/11/2023
Những phong trào phản kháng xã hội tiêu thụ năm 1968 ở châu Âu đã hướng văn nghệ vào con đường xã hội học và chính trị.

Giai đoạn văn học hiện đại

Nhà văn I. Christensen.

Những năm 60, hai nhà văn trẻ điển hình nhất là I. Christensen và Haw-Jorgen Niesen, đòi hỏi phải nhận định con người không theo những giá trị có sẵn, mà trong mối quan hệ của con người với xã hội. Họ đều có thái độ “dấn thân” về mặt chính trị và xã hội. Khuynh hướng của họ vẫn kéo dài trong thế hệ những năm 70.

Nói chung, những phong trào phản kháng xã hội tiêu thụ năm 1968 ở châu Âu (Mỹ sau đó) đã hướng văn nghệ vào con đường xã hội học và chính trị (thảo luận các vấn đề, giải phóng phụ nữ). Đặc biệt, phụ nữ Đan Mạch hoạt động rất mạnh (thể loại phóng sự điều tra, phỏng vấn phát triển, ngay cả trong giới sinh viên và công nhân).

Thơ có khuynh hướng xã hội học của Vita Andersen và P. Poulsen (tìm tòi về ngôn ngữ học và cấu trúc). Thế hệ 70 gồm những nhà văn tượng trưng, chia sẻ giữa thơ chính trị và tiểu thuyết lịch sử. Đầu những năm 80, sự nổi dậy chống xã hội dồi dào và tiêu thụ lại nổi lên.

E.K. Reich (sinh năm 1940) kết hợp tư liệu lịch sử với ý thức chính trị không giáo điều. Cuốn Đời Zênôbia (1999) kể về những chuyến đi giữa Đan Mạch và Xyri vào thế kỷ thứ V. Hjernoe (sinh năm 1938) sử dụng tư liệu nhưng chú trọng đến ngôn ngữ học và triết học. H. Bjelke (sinh năm 1937) chịu ảnh hưởng James Joyce trong tác phẩm chính của mình (Saturu -1974) về huyền thoại tái sinh, cái tôi phân làm nhiều mảng lang thang trong hiện tại và thế giới huyền thoại.

Có một dòng văn học dễ hiểu hơn, khó xếp vào loại nào (như St. Kaalo, sinh năm 1945).

Dòng hiện thực xã hội những năm 50 vẫn tiếp tục với U. Graes (sinh năm 1940) và tiểu thuyết về công nhân, thơ của L. Nielsen (sinh năm 1935). Hoài bão một xã hội mới thể hiện qua mơ ước lãng mạn, cách mạng. Đó là trường hợp của V. Lundbye (sinh năm 1933), R. Gjedsted (sinh năm 1947).

Dấn thân xã hội và chính trị đánh dấu những tác phẩm của bà M. Larsen (sinh năm 1951). Vita Andersen (sinh năm 1944) kết hợp những vấn đề hiện tại với những tình cảm thầm kín, được ưa chuộng vào những năm 70.

Nhà văn Peter Hoeg.

Giải thưởng Văn học của Hội đồng Bắc Âu năm 2000 được tặng cho tập thơ Những chiếc cầu của mơ mộng của Henrik Nordbrandt (sinh năm 1945). Tập thơ ra từ năm 1998; như vậy giải thưởng có thể coi là tặng cho toàn bộ thi phẩm của ông. Theo ban giám khảo thì “chiếc cầu” trở thành biểu trưng của cuộc sống giữa đến và đi, đồng thời là biểu trưng của thể nghiệm về mất mát và tìm lại được trong thi ca.

Trong hai thập kỷ 80 và 90, độc giả đã ngán những tâm sự tình cảm về đời sống hàng ngày và kiểu viết hình thức không có cả hình thức; đồng thời chủ nghĩa Marx bị lu mờ trước những trào lưu chính trị phi xã hội chủ nghĩa, văn học quay về gốc rễ văn học thực sự.

Thế hệ nhà văn hiện đại mới (Michel Strunge, Bo Green Jensen, Pia Tardrup, Suren Ulrik Thomsen) theo tiếng gọi của nhạc rock nhưng cũng trở về với cả hình thức lãng mạn và tượng trưng, nhất là trong thơ. Henrik Stangerup, hiện thực, lại hướng về lịch sử văn hóa và huyền thoại. Ole Sarvig và Jorgen Bradt phục hồi thánh ca. Thể này cũng được chú ý do một tình cảm tôn giáo mới nảy sinh cùng các vấn đề môi trường (Thorkild Bjornvig, Vagn Lundbye).

Trong nghệ thuật kể chuyện sinh động, đã nổi lên Kirsten Thurup (màu sắc xã hội, hiện thực, tâm lý), Suzanne Brogger (nửa hư cấu, nửa hồi ký). Đặc biệt, Peter Hoeg đã vượt lên thành một nhà văn Đan Mạch lớn và một nhà văn có tầm cỡ quốc tế.