Hoa đẹp vườn văn
Nhằm giúp độc giả có thêm tư liệu và hiểu biết về nền văn học Đan Mạch, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số tác giả tiêu biểu.
ABELL Kjeld (1901-1961) là nhà viết kịch. Cha ông hoạt động trong ngành giáo dục. Ông là người đổi mới sân khấu Đan Mạch, chống lại khuôn sáo của giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Càng về sau, ông càng có khuynh hướng đưa vào kịch những yếu tố tượng trưng dẫn đến một chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng (đặc biệt do ảnh hưởng chủ nghĩa hiện sinh).
Kịch Khúc điệu đã tiêu tan (Melodien, der Blev Voek, 1935) phê phán xã hội tư bản đã cằn cỗi. Vở Anna Sophie Edvig (1939) thể hiện một chủ nghĩa nhân đạo chống phát xít. Vở Những ngày trên một đám mây (Dage paa en Sky, 1947) đặt vấn đề trách nhiệm của khoa học trong thời kỳ nguyên tử.
Nhà văn ANDERSEN Hans Christian. |
ANDERSEN Hans Christian (1805-1875) là nhà văn, con một người thợ giày nghèo. Ông được học ít, lớn lên tự học, bản tính dè dặt, suốt đời giữ tính cách tiện dân, nên khi giao tiếp với văn nghệ sĩ, quý tộc không khỏi có phức cảm. Từ năm 14 tuổi, lên ở thủ đô, được một vài người quý tộc giúp đỡ, ra học nước ngoài vài lần. Năm 17 tuổi, đã có sách xuất bản. Đầu tiên thành công với những tập du ký và cuốn Sách tranh không có tranh (Billedoog uden Billeder, 1840). Andersen còn làm thơ, viết kịch và tiểu thuyết có mùi vị lãng mạn, có tính chất nhân đạo tiểu tư sản, đến nay cũng ít được thưởng thức.
Tác phẩm khiến cho Andersen được nổi tiếng khắp thế giới qua nhiều thế hệ là tập Truyện kể cho trẻ con (Eventyr, Fortalte for Born, 1835-1841) bao gồm trên một trăm rưởi truyện. Andersen mượn cốt truyện ở huyền thoại, truyện cổ tích, truyện dân gian, lịch sử, có hư cấu trên cơ sở cuộc sống hàng ngày.
Truyện viết cho trẻ em, nhưng người lớn cũng thích đọc, do tính chất thơ mộng mà lại hiện thực, mang ý nghĩa triết lý sâu sắc, đề cao đạo đức, phê phán thói hư tật xấu cả xã hội. Andersen còn kể lại đời mình như một câu chuyện cổ trong cuốn Truyện đời tôi (Mit livs Eventyr, 1855).
Nhà văn Hans Christian Andersen có lẽ là hiện tượng văn học hiếm có trên thế giới. Thường thì các quốc gia đều chọn những công trình xây dựng đồ sộ, những anh hùng cái thế, những chính trị gia xuất sắc, những tướng tài ba... để làm biểu trưng. Riêng Đan Mạch chọn cho mình là một nhà văn - Andersen.
Đan Mạch tự gọi là đất nước của Andersen, của “nàng tiên cá nhỏ”. Một nước chỉ có hơn năm triệu dân, tự hào có một nhà văn mà những quốc gia có dân số hàng trăm triệu người, không có vinh dự có được. Andersen thường đưa vào truyện kể những hoài bão không thành của mình, tình yêu vô vọng, lòng thương cảm đối với người khốn khổ, cố vươn lên hoàn cảnh bản thân, tìm nguồn an ủi trong mơ mộng và sự ban ơn của Chúa. Điển hình là Nàng tiên cá nhỏ, Cô bé bán diêm, Vịt con xấu xí…
Năm 2005, toàn thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh Andersen, tác giả có lẽ được dịch nhiều nhất và đọc nhiều nhất trên phạm vi toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, từ năm 1926 đến nay đã phát hành trên một triệu bản dịch, tất cả những tác phẩm của ông đều vượt qua không gian và thời gian.
ANDERSEN Nexoe Martin (1869-1954) là nhà văn Đan Mạch, ông sinh ra tại Copenhagen, mất tại Dresden, Đức. Ông là con một người thợ đá. Khổ từ nhỏ, đi ở, làm thợ giày, làm giáo viên, làm báo. Ông tự học là chính. Năm 1841, khi Đan Mạch bị Đức chiếm đóng, Andersen Nexoe bị bắt, trốn sang Thụy Điển, Liên Xô. Từ năm 82 tuổi, ông ở hẳn Cộng hòa Dân chủ Đức cho đến khi chết.
Andersen Nexoe là một nhà văn của vô sản, đại diện cho khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Bắc Âu, luôn luôn đứng về phía hòa bình và tiến bộ, bênh vực chủ nghĩa cộng sản. Trong giai đoạn sáng tác đầu (1893-1903), đã lấy nhân dân lao động làm nhân vật trung tâm, nhưng còn chưa thoát ly được tư tưởng tự do tư sản và khuynh hướng văn học suy đồi; thí dụ tập du ký Những ngày nắng (Soldage, 1903) viết sau khi đi thăm Italy và Tây Ban Nha.
Andersen Nexoe ngày càng giác ngộ giai cấp, đặc biệt do hiểu hoàn cảnh vô sản Tây Ban Nha (1902) và nắm được ý nghĩa cuộc cách mạng 1905 ở Nga. Năm 1906-1910, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết Pelê, người chinh phục (Pelle Erbreren) nổi tiếng thế giới. Đây là một tác phẩm ca ngợi sự giác ngộ giai cấp, sự đoàn kết giữa những người bị bóc lột, phản ánh lòng tin vào sự tất thắng của công bằng xã hội.
Sau cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, Andersen Nexoe vào Đảng Cộng sản Đan Mạch và viết cuốn tiểu thuyết Ditte, con của người đời (Ditte Menneskebarn, 1917-1921), ca ngợi lòng tốt của người phụ nữ vô sản; một thiên hùng ca về giai cấp vô sản Đan Mạch.
Trong bộ Hồi ức (Erindringer, 1932-1939) gồm bốn tập, tác giả kể lại cuộc đời mình.