Nhỏ Bình thường Lớn

Một thoáng văn học Thụy Điển: Linné-nhà thực vật học, nhà văn du ký

Du khách đến thủ đô Stockholm của Thụy Điển muốn tới Thư viện Hoàng gia thường qua một phố giàu ở trung tâm mang tên Linné.
Linné - nhà thực vật học, nhà văn du ký
Linné - nhà thực vật học, nhà văn du ký

Göteborg, thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển, cũng có một phố đẹp và một quảng trường trang nhã đều mang tên Linné. Và chắc còn có phố Linné ở nhiều thành phố khác của Thụy Điển.

Linné (1707-1778) là niềm tự hào của khoa học và văn học Thụy Điển. Linné không phải là nhà tự nhiên học đầu tiên cũng như Lavoisier, người Pháp, không phải là nhà hóa học đầu tiên trên thế giới. Nhưng, cũng như Lavoisier được coi là người lập ra bộ môn hóa học, Linné được coi là người lập ra bộ môn tự nhiên học.

Linné sinh ra ở Rashult, là con mục sư Tin Lành. Ngay từ bé, ông đã thích hoa và quan sát vạn vật. Năm tám tuổi, ông được gọi là “nhà thực vật học bé con”. Sau khi học các trường đại học Lund và Uppsala, ông đỗ Bác sĩ y khoa Hà Lan. Ông chịu ảnh hưởng của nhà thực vật học lão thành O. Celsius. Năm 23 tuổi, ông được bổ nhiệm dạy môn thực vật học. Công trình của ông được xuất bản ở Hà Lan, được dịch cả sang tiếng Anh. Ông bắt đầu nổi danh, nhất là nhờ những tác phẩm nghiên cứu: Hệ thống giới tự nhiên (Systema Naturae-735), Cơ sở thực vật học (1736), Phương pháp sắp xếp thực vật (1737)...

Linné đi Anh, Pháp, Hà Lan và giao du với nhiều nhà khoa học. Năm 31 tuổi, ông định cư ở Stockholm và hành nghề y rất giỏi. Năm 28 tuổi, ông đính hôn với con gái một thầy thuốc giàu có. Ở Uppsala, ông dạy y rồi sau chuyển sang dạy thực vật học. Ông không ngừng nghiên cứu và xuất bản nhiều công trình như Triết học môn thực vật học (Philisophia botanica, 1751), Các loài thực vật (Species plantarum, 1755). Ông mất năm 71 tuổi ở Uppsala và được chôn ở nhà thờ lớn. Ông để lại khoảng 180 tác phẩm. Con trai duy nhất của ông đã chết, nên ông để lại của cải cho vợ; bà vợ bán sách vở, bản thảo, các bộ sưu tầm cho Hội Linné lập ở Anh năm 1788.

Trên thế giới, Linné nổi tiếng là một nhà thực vật kiệt xuất. Ít người biết ông còn là một nhà văn lớn của Thụy Điển. Ngay ở Thụy Điển, mãi đến thế kỷ XX, người ta mới phát hiện điều này. Trên văn đàn Thụy Điển, có hai danh nhân mà trong lĩnh vực chuyên môn đã trở thành những tác phẩm văn học: nhà thực vật học Linné và nhà triết học tôn giáo Swedenborg (1688-1772). Cả hai ông đều làm rạng rỡ nền văn hóa Thụy Điển của thời đại “Tự do” - Thế kỷ Ánh sáng, tức là thế kỷ XVIII.

Linné xứng đáng với danh hiệu nhà văn vì tác phẩm khoa học của ông được đánh dấu bởi những quan sát mang tính hiện thực và đồng thời văn phong lại rất độc đáo. Ông đã mở đầu cho truyền thống và phong cách viết về giới tự nhiên xuất phát từ sự giao tiếp thầm kín với thiên nhiên phong phú và đa dạng của nông thôn Thụy Điển.

Ông đã lớn lên trong miền Smaland, nơi có thiên nhiên rất đẹp. Do đó mà tâm hồn ông đã sớm đáp lại âm hưởng của Kinh thánh. Ngôn ngữ thi ca của tác phẩm tôn giáo ấy đã có ảnh hưởng trực tiếp đến những trước tác, trong đó ông ca ngợi những kỳ quan của thiên nhiên do tạo hóa phú cho. Ông lại có tài thể hiện hiện thực một cách nhạy bén và chính xác.

Linné viết những tác phẩm khoa học bằng tiếng Latinh, là ngôn ngữ bác học thời Trung cổ ở châu Âu. Kiệt tác của ông là Hệ thống giới tự nhiên (1735); tác phẩm này được hoàn chỉnh trong suốt cuộc đời ông.

Tính chất văn học nổi bật trong những tác phẩm tiếng Thụy Điển của ông, đặc biệt là sách du ký. Khi còn là sinh viên, ông viết tập Một chuyến đi Lappland. Sau khi thu nhập được đủ tiền, chàng thanh niên 25 tuổi đã đi sâu vào miền Lappland là một miền hoang vu lạnh lẽo (mùa Đông -20 -30 độ C, mùa Hè 10 độ C), xứ sở của người thiểu số Lapp. Nhật ký chuyến đi sinh động, đậm đà, có khi tươi mát hơn cả những sách du ký ông viết sau. Quả là tiếng nói hồn nhiên của một nhà khoa học và một nghệ sĩ sáng tác luôn luôn tìm thấy cái mới trong những bí mật của tạo hóa, tìm thấy cách thể hiện mới rất bất ngờ.

Sinh thời Linné, tập Du ký miền Lappland chưa được xuất bản, mãi 33 năm sau khi ông mất, một bản dịch tiếng Anh mới được ra đời (1811). Cuối thế kỷ XIX, nguyên bản tiếng Thụy Điển được xuất bản và sớm trở thành một tác phẩm kinh điển.

Tiếp theo đó là một loạt sách du ký được viết trong thời gian Linné dạy ở Uppsala: Chuyến đi Oland và Gotland (1745), Chuyến đi Vastergotland (1747), Chuyến đi Scania (1751), đều giữ tính chất văn học và khoa học.

Trong Linné, vừa có một đầu óc khoa học muốn hệ thống hóa vạn vật một cách logic, nhưng đồng thời có một tâm hồn thơ mộng, thần bí, chỗ nào cũng thấy Thượng đế bất di bất dịch, chỗ nào cũng hiện diện và linh thiêng. Có nhiều đoạn về quan hệ giữa con người và thiên nhiên đã báo hiệu vấn đề môi trường hiện đại.

Khi dạy ở đại học, Linné đã đào tạo một đội ngũ đông đảo sinh viên, kể cả sinh viên nước ngoài. Ông cho họ đi nghiên cứu khắp mọi nơi, đồ đệ theo gót thầy, cũng viết những thiên du có giá trị, khiến cho thể loại này được ưa thích trong văn học Thụy Điển thế kỷ XVIII. Những sách này thành của hiếm, bán đắt ở các cửa hàng đồ cổ và sách quý. Nhiều nhà văn Thụy Điển lớn như Strindberg và Harry Martinson chịu ảnh hưởng cách miêu tả thiên nhiên của Linné.

Văn học thiếu nhi Thụy Điển [Kỳ 1]

Văn học thiếu nhi Thụy Điển [Kỳ 1]

Những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, sách viết cho thanh thiếu niên Thụy Điển thành hàng văn hóa xuất khẩu, do chúng ...

Văn học thiếu nhi Thụy Điển [Kỳ 2]

Văn học thiếu nhi Thụy Điển [Kỳ 2]

Giai đoạn ba của văn học thiếu nhi Thụy Điển là giai đoạn “văn học hiện đại” bắt đầu từ 1945, sau Thế chiến II. ...

Một thoáng văn học Thụy Điển: Sara Lipman, một tâm linh [Kỳ 1]

Một thoáng văn học Thụy Điển: Sara Lipman, một tâm linh [Kỳ 1]

“Tôi được hân hạnh làm việc với bà trong một thời gian, tôi thấy tất cả: Sara Lidman là một tâm linh“, chị Carina, cán ...

Một thoáng văn học Thụy Điển: Sara Lipman, một tâm linh [Kỳ 2]

Một thoáng văn học Thụy Điển: Sara Lipman, một tâm linh [Kỳ 2]

Từ những năm 70 thế kỷ XX, văn đàn Thụy Điển chuyển từ hình thức chính trị nóng hổi về hình thức tiểu thuyết cổ ...

Một thoáng văn học Thụy Điển: Thư viện Hoàng gia

Một thoáng văn học Thụy Điển: Thư viện Hoàng gia

Thư viện Hoàng gia (Kungl Biblioteket), ở Stockholm nguyên là thư viện riêng của các vua và nữ vương của dòng họ Vasa.