📞

Một thoáng văn học Thụy Điển: Sara Lipman, một tâm linh [Kỳ 2]

HỮU NGỌC 09:00 | 12/03/2023
Từ những năm 70 thế kỷ XX, văn đàn Thụy Điển chuyển từ hình thức chính trị nóng hổi về hình thức tiểu thuyết cổ điển với một phong cách mới: các tác giả viết từng bộ sách miêu tả quá trình phát triển của lịch sử xã hội Thụy Điển với bề sâu của tư liệu và ý thức chính trị đã được mài giũa.
Nhà văn Sara Lidman. (Nguồn: sverigesradio)

Sara Lidman viết trong bản tóm tắt lý lịch (Curriculum Vitae) của bà: “Năm 1975, tôi đã trở về quê và bắt đầu nghiên cứu lại vùng này. Tất cả miền Bắc (Norrland) đang bị phá rừng và mất dân rất nhanh. Tôi muốn biết tại sao và làm cách nào tổ tiên tôi lại đến sống ở miền đất cằn cỗi này - những động lực gì, ngoài sự ham sống, lúc đó đã đưa họ đến chốn này? Công cuộc nghiên cứu đã khiến cho tôi viết một bộ tiểu thuyết năm tập.

Câu chuyện được đặt vào cuối thế kỷ XIX. Việc xây dựng đường sắt gắn miền này với tư bản và chính quyền nhà vua là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ tấn kịch của câu chuyện. Những ước vọng ngự trị tâm trí con người, khiến họ mù quáng và biến họ thành những động lực chỉ có thể nhận thấy được khi đã quá muộn.”

Sara đã trở lại những đề tài địa phương mình như trong giai đoạn mới vào nghề văn, những đề tài nhấn mạnh vào ảnh hưởng địa lý và môi trường đó: với con người, nhưng với một tầm vóc lịch sử sâu sắc. Người dân quê hương nghèo khó của Sara có mặc cảm với dân các vùng khác ở miền Trung và miền Nam.

Sara miêu tả cuộc đấu tranh nhẫn nại của họ để sống tốt đẹp hơn và chống lại sự bất công. Tính nhạy cảm của chị, văn phong trữ tình thể hiện bằng ngôn ngữ địa phương, đảm bảo cho ngòi bút của chị một vị trí hàng đầu trong văn học Thụy Điển hiện đại.

Sara đã khám phá ra ý nghĩa tượng trưng và nhân văn của địa lý miền Bắc, xứ Lillvattnet, của đầm lầy, rừng nguyên thủy, băng tuyết, tối tăm, nhà cửa thưa thớt:

“Trên độ cao sáu dặm, một vùng không có cả nhà tranh,

không gặp ai, không có mặt trăng, mặt trời, không thấy một con đường

Chỉ nhìn thấy cây linh sam tuyết phủ tiến lại gần ta không ngớt.

Cho đến khi mình phát sợ

và ngày càng phục con ngựa đã tìm cách đi vòng được;

vào đúng lúc, để tránh cho mình bị chôn vùi dưới tuyết và lá thông;

sao ngựa lại lần ra đường mà đi theo, đó là phép lạ!

Và người đồng hành nhạt nhẽo nhất trở thành vô giá;

tiếng nói, hơi thở, động tác của người ấy

và tất cả những kỷ niệm người ấy mang theo

dồn lại trong một sinh vật bền bỉ

khiến y khóc với những cây linh sam mọc lổn nhổn, dũng mãnh

và đơn điệu”

(Đá của Na-bôt)

Trong cảnh hoang vu lạnh lẽo ấy, mỗi con người sống sót có một giá trị biểu tượng từ từng hành động nhỏ nhoi - chặt cây, đào mương, câu cá, vỡ hoang - đoàn kết với nhau để khỏi bị thiên nhiên nuốt chửng, để văn minh lấn dần. Nhưng khi văn minh bắt đầu đứng vững thì con người bắt đầu bóc lột nhau, phân biệt giàu nghèo. Đó là tấn bi kịch được kể lại trong bộ ba tiểu thuyết: Tên đầy tớ dễ bảo của Người (1977), Những đứa con của phẫn nộ (1979), Đá của Na-bôt (1981).

Tuy từ giữa những năm 70, Sara đã gác những đề tài về châu Phi và Việt Nam để lại trở về với xóm làng quê hương, chị vẫn không quên hai miền đất đã từng làm trái tim chị rung động. Câu trích trên chị viết năm 1990.

Mùa Thu năm 1991, bản thân tôi được chứng kiến tấm lòng của Sara đối với Việt Nam. Mấy hôm trước khi tôi rời Thụy Điển, Viện Thụy Điển cho biết, chị mới ở miền Bắc về, hẹn đến tìm tôi, mời đi ăn cơm trưa ở một hiệu ăn Tàu gần để xem có món Việt Nam nào không.

Cũng nhân dịp ấy, chị hỏi thăm tôi về một số người quen ở Việt Nam, tình hình Việt Nam ra sao, chị chăm chú lắng nghe lắm. Khi tôi nói chuyện về văn hóa Việt Nam ở Thư viện Hoàng gia, chị đã đến nghe và rủ theo một người bạn là giáo sư văn học so sánh ở Mỹ cùng đến nghe; cuối buổi nói, chị hỏi thêm về Việt Nam.

Hôm sau, chị nhờ vị giáo sư ấy đến đón tôi đến nhà một người bạn là nơi chị ở khi về thủ đô; tại đây, chúng tôi tiếp tục nói chuyện về Việt Nam, và chị cùng anh bạn giáo sư cho tôi biết tình hình Thụy Điển cho đến buổi chiều. Tối hôm sau, chị lại đưa tôi đi xem vở opera “Cây sáo thần” của Mozart. Chị hỏi han sức khỏe của tôi, sợ tôi không chịu được rét.

Khi từ biệt, chị ghi vào bức ảnh hồi chị còn trẻ và viết tặng tôi mấy chữ: “Thấy anh là lại thấy lại Việt Nam! Với tình cảm chị em, Sara!”

Tôi hiểu tất cả những điều ưu ái của chị không phải dành cho riêng tôi, mà cho cả nhân dân Việt Nam. Tôi mới chỉ gặp chị lần đầu, nhưng có cái may là người hoạt động văn hóa Việt Nam lâu ngày chị mới gặp trên đất Thụy Điển, trong khi chị miệt mài vào một mạch sáng tác khác.