Sinh năm 1948 tại Hải Phòng, đạo diễn Lê Lâm không còn xa lạ với giới điện ảnh Việt Nam, đặc biệt với vai trò đạo diễn, biên kịch của nhiều tác phẩm xuất sắc về Đông Dương như “Long Vân Khánh hội” (1981), “Đế chế tàn vụn” (1984), “20 đêm và Một ngày mưa” (2006)... Bộ phim "Công binh, đêm dài Đông Dương" dài 116 phút mà vị đạo diễn này dành nhiều tâm huyết đã được công chiếu lần đầu tại Pháp năm 2013. Bộ phim được chuyển thể dựa theo cuốn sách “Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952) - một trang sử thuộc địa bị lãng quên” của nhà báo Pierre Daum. Có thể nói, việc trình chiếu tại Hà Nội là cơ hội quý của khán giả thủ đô, đặc biệt thế hệ trẻ có dịp hiểu thêm về lịch sử.
Lê Lâm chia sẻ, trong hàng nghìn công binh, lính thợ Đông Dương bị ép sang nước Pháp, ông đã chọn 20 người để kể lại câu chuyện, trong đó 10 người sống ở Pháp, số còn lại sống ở Việt Nam. Khi bị ép sang Pháp phục vụ Thế chiến thứ II, họ hầu hết đều mù chữ nên chẳng khác nào con rối bị người khác điều khiển. Những lính thợ Việt đã phải sống một cuộc sống đày ải, bi thảm dưới sự thống trị của quân phát xít Đức.
Tuy nhiên, sống trên đất Pháp mà lòng họ vẫn luôn nhớ về Việt Nam, góp công, góp sức ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy vậy, một số người trong họ khi về nước đã bị hiểu lầm là kẻ phản quốc vì từng làm việc cho nước Pháp. Một trang lịch sử oan ức, đau thương của những người lính thợ Việt Nam trên đất Pháp trong Thế chiến thứ II đã lùi vào dĩ vãng và từng bị xã hội lãng quên.
Mới đây, tại buổi tọa đàm về bộ phim tại Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, một trong những hạn chế của giới sử học là “viết lịch sử một cách vô nhân xưng, bởi chỉ toàn đề cập ý niệm cách mạng, chiến tranh, tổ chức chính trị mà không thấy thân phận con người”. Nói về hai vạn người bị bắt ép sang Pháp làm công binh, lính thợ, ông nhấn mạnh: “Họ mang danh đi lính cho Tây là điều hết sức nặng nề trong một thời kỳ lịch sử và vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ sau. Bộ phim không chỉ giải tỏa cho những người trong cuộc mà còn có ý nghĩa nhất định với những hậu duệ sống trong nước”.
Cũng theo đạo diễn Lê Lâm, khi bộ phim này chiếu bên Pháp, mỗi buổi chiếu ở một thành phố thường có vài người con của các công binh tới dự. Họ đều chung một tâm trạng ngỡ ngàng, khi bây giờ mới biết cuộc đời của cha mình và nguồn gốc của mình.
Đáng chú ý, "Công binh, đêm dài Đông Dương" đã đoạt Giải Đặc biệt tại Liên hoan Phim Amiens 2012, và Giải Nhất tại Liên hoan Pessac 2012 và đề cử tại Festival Amsterdam lần thứ 25 và Festival phim Hongkong lần thứ 37. "Với tôi, việc được chiếu tại Việt Nam mới là điều ý nghĩa nhất. Tôi làm phim này với mong muốn tìm lại nhân phẩm cho những công binh cũng như con cháu của các vị ấy", đạo diễn Lê Lâm nói.