Kế hoạch lấp đầy các kho dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu cho mùa Đông gặp khó. Công nhân kiểm tra đường ống dẫn khí đốt tại biên giới Bulgaria và Hy Lạp. (Nguồn: AFP) |
Nguồn cung năng lượng thứ hai của EU "đình công"
Na Uy là nhà cung cấp năng lượng lớn thứ hai của châu Âu, sau Nga và cuộc đình công của các công nhân đã đẩy giá khí đốt lên mức cao nhất trong 4 tháng.
Chính phủ Na Uy tuyên bố, đã đề xuất một trọng tài viên lao động để giải quyết tranh chấp.
Bộ trưởng Lao động Na Uy Marte Mjøs Persen cho biết: “Chúng tôi thường thực hiện các biện pháp kiềm chế đáng kể trước khi can thiệp bằng việc đề xuất trọng tài viên lao động. Tuy nhiên, những hậu quả nghiêm trọng cuộc đình công đã buộc chúng tôi phải can thiệp".
Bộ phận vận động hành lang của các nhà tuyển dụng dầu khí Na Uy cho hay, các cuộc đình công có thể đã khiến gần 60% lượng khí đốt xuất khẩu của Na Uy sang châu Âu ngừng hoạt động kể từ ngày 9/7.
Công ty năng lượng Equinor của Na Uy cũng cho rằng, ba mỏ ở Biển Bắc khai thác khoảng 89.000 thùng dầu mỗi ngày, hơn 30% trong số đó là khí đốt.
Châu Âu đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu của Nga, vốn đã bị Moscow cắt giảm.
Bất kỳ sự sụt giảm nào về sản lượng của Na Uy có thể giáng một đòn lớn vào nỗ lực lấp đầy kho khí đốt dự trữ trước mùa Đông của khu vực này, đồng thời, làm tăng nguy cơ thiếu hụt năng lượng.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng khí đốt" và cảnh báo rằng không thể loại trừ việc đưa ra khẩu phần ăn để vượt qua mùa đông.
Dữ liệu từ sàn giao dịch Intercontinental Exchange cho thấy, tin tức về cuộc đình công đã đẩy giá khí đốt tự nhiên châu Âu giao sau tăng 5%, lên 172 Euro (177 USD)/MWh. Đó là mức giá cao nhất kể từ đầu tháng 3/2022.
Chính phủ Na Uy nhấn mạnh: "Vấn đề nguồn cung khí đốt của Na Uy giảm sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng - vốn đã đang căng thẳng. Na Uy phải làm mọi thứ trong khả năng để củng cố an ninh năng lượng của châu Âu".
Một mùa Đông bất định
Cuộc đình công của các công nhân dầu khí ở Na Uy diễn ra sau khi nguồn cung khi đốt từ Nga sang châu Âu giảm, với lý do đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 đang bảo trì.
Trước đó, Nga cũng dừng cung cấp khí đốt cho một số quốc gia, công ty năng lượng EU vì từ chối thanh toán bằng đồng Ruble.
Theo phân tích của nhà cung cấp thông tin về năng lượng và hàng hóa S&P Global Platts, các dòng khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 hiện chỉ đang chạy với 40% công suất. Hiện không chắc chắn khi nào Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ hoạt động bình thường trở lại.
Carsten Fritsch, nhà phân tích về năng lượng, nông nghiệp và kim loại quý tại Commerzbank nhận định: "Đáng lo ngại, các lô hàng khí đốt từ Nga có thể bị giảm hơn nữa hoặc thậm chí không được nối lại sau khi Dòng chảy Phương Bắc 1 bảo trì xong. Điều này sẽ khiến cho kế hoạch lấp đầy các kho dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu cho mùa Đông gặp khó".
Dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí châu Âu cho thấy, các cơ sở lưu trữ khí đốt ở EU đã được lấp đầy khoảng 59%.
Nhà phân tích Fritsch cho biết, con số này hiện thấp hơn khoảng 3% so với mức dự trữ thông thường của thời điểm này trong năm.
Cơ sở Freeport LNG ở Mỹ. (Nguồn: FreeportLng.com) |
Theo nhà phân tích Alex Froley tại Independent Commodity Intelligence Services, vấn đề lớn hơn mà châu Âu phải đối mặt là việc đóng cửa một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn ở Mỹ.
Một vụ hỏa hoạn tại cơ sở LNG Freeport ở Texas ngày 8/6 đã khiến hoạt động sản xuất của cơ sở này bị tạm ngừng.
Theo công ty phân tích Vortexa, LNG Freeport sản xuất khoảng 1/5 lượng LNG xuất khẩu của Mỹ.
LNG là mặt hàng "nóng" nhất hiện nay bởi trong những tháng gần đây, châu Âu tăng cường nhập khẩu LNG để bù đắp cho lượng khí đốt thiếu hụt từ Nga.
Trong khi đó, phần lớn lượng khí đốt xuất khẩu của Freeport LNG là cho thị trường châu Âu, sau đó là các công ty dầu khí lớn, các nhà kinh doanh tiện ích và hàng hóa châu Á.
Việc nguồn cung khí đốt chủ chốt từ Mỹ bị gián đoạn sẽ buộc các nhà quản lý công nghiệp châu Âu phải tăng đặt hàng các sản phẩm dầu mỏ, khiến thị trường năng lượng vốn đã căng thẳng nay phải chịu thêm sức ép.