Tất cả các di tích, danh thắng, khu du lịch tại Hà Nội vẫn chưa được phép mở cửa trở lại. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Cơn ác mộng
Những ngày này, CEO, người lao động ngành du lịch còn cố gắng bám trụ với nghề không giấu nổi ánh mắt đầy lo lắng và khuôn mặt bần thần. Mùa vàng du lịch Hè mà họ ngóng đợi, dồn hết tâm huyết, nguồn lực cuối cùng, thậm chí vay mượn, bán nhà để đầu tư thì nay hóa cơn ác mộng.
Covid-19 đợt thứ tư đã khiến du lịch nội địa đóng băng cùng du lịch quốc tế. Toàn bộ hoạt động du lịch trong tháng 5 và tháng 6 buộc phải ngưng trệ để phòng, chống dịch. Ngay cả 2 trung tâm du lịch, 2 thị trường khách lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng “cửa đóng then cài”.
Ở nhiều địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh cũng chỉ “mở hé cửa” trở lại cho du lịch, nhằm giúp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ “công nghiệp không khói” phần nào vơi bớt khó khăn.
Dù đã tái khởi động, nhưng các điểm đến vốn tấp nập như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc… vẫn rất đìu hiu.
Tại Thanh Hóa, nổi tiếng với khu du lịch biển Sầm Sơn, đã cho mở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ từ giữa tháng 6, đúng đợt cao điểm của du lịch biển, nhưng trước diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn tại TP. Sầm Sơn vẫn chưa hẹn ngày mở lại. Những trục đường ven biển vẫn yên lặng đến xót xa. Thỉnh thoảng vào buổi chiều mới có một lượng khách nhỏ, song chủ yếu là các nhóm khách lẻ nội tỉnh đến để tắm biển.
Nhằm từng bước khôi phục hoạt động du lịch, TP. Sầm Sơn tập trung đẩy mạnh kích cầu du lịch với chủ đề “Người Thanh Hóa đi du lịch Thanh Hóa”, huy động sự vào cuộc của đông đảo đơn vị kinh doanh dịch vụ, mang đến cho du khách mức giá ưu đãi nhất, chất lượng dịch vụ đảm bảo, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Nhưng thực tế, mở cửa du lịch nội tỉnh sẽ chẳng thể vực dậy ngành kinh tế xanh nơi đây. 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách đến Thanh Hóa chỉ bằng 29% kế hoạch năm, với tổng thu du lịch ước đạt 1.345 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Ông chủ của một khách sạn có tiếng ở Sầm Sơn trải lòng: “Du lịch là xê dịch và khám phá, du khách địa phương, “trong làng” ngày nào cũng trải nghiệm các dịch vụ của quê mình thì sẽ nhanh ngán và cũng không đông. Vì thế, dịch vụ du lịch không thể mở lại hay phát triển, vì thu không đủ bù chi. Nếu không có khách liên tỉnh và khách quốc tế thì ngành du lịch coi như chưa mở cửa”.
Đề xuất thí điểm đón khách ngoại tỉnh
Ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn.
Với ngành du lịch, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp du lịch vui mừng trước sự quan tâm của Chính phủ, nhưng hơn bao giờ hết, họ mong ngóng những địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh có thể mở cửa du lịch liên tỉnh, liên vùng. Bởi chỉ khi có du khách, các doanh nghiệp mới có thể tồn tại.
Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết: “Cuộc khảo sát các doanh nghiệp du lịch mới đây của TAB cho thấy, các doanh nghiệp quan tâm nhất đến việc hỗ trợ người lao động là được tiêm vaccine ngay, cần hơn cả sự hỗ trợ bằng tiền. Nếu được tiêm vaccine thì người lao động sẽ yên tâm phục vụ đón khách du lịch và khách du lịch yên tâm đi du lịch hơn. Như vậy là cho cần câu chứ không phải là cho con cá”.
Thấu hiểu sự khốn khó của các doanh nghiệp du lịch, ngày 1/7, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh đã gửi Văn bản số 56/CV-HHDL về việc tiêm vaccine và thí điểm đón khách tỉnh ngoài tới các cấp có thẩm quyền.
Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho biết, việc phục vụ khách du lịch “Người Quảng Ninh đi du lịch Quảng Ninh” số lượng không được nhiều, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đang lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Xác định Quảng Ninh vẫn đang là điểm đến an toàn, thân thiện với những gói kích cầu hấp dẫn, rất nhiều du khách tỉnh ngoài có nguyện vọng muốn được đến Quảng Ninh.
Từ thực tế trên và để thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh đề xuất Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh ưu tiên cho các đối tượng thuộc các doanh nghiệp phục vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, lữ hành, tàu du lịch, hướng dẫn viên được tiêm trước vaccine Covid-19 trong thời gian sớm nhất có thể.
Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp dịch vụ du lịch được thí điểm đón khách tỉnh ngoài có chọn lọc với 2 nhóm khách: nhóm khách đã được tiêm vaccine Covid-19, có giấy xác nhận và nhóm khách có xét nghiệm âm tính với Covid-19, trong thời gian 7 ngày.
Các doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh nói riêng, doanh nghiệp lữ hành cả nước nói chung đang rất mong đợi các địa phương, Chính phủ cho thử nghiệm “hộ chiếu vaccine”, mà thực chất là “Chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19” tại thị trường nội địa, cho du lịch nội địa. Theo đó, du khách có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine, khi đến từ các vùng, địa phương an toàn trong nước, sẽ được miễn hoặc giảm các biện pháp cách ly, xét nghiệm...
| Sau ‘cú đấm bồi’ Covid-19 ngành du lịch cần tiếp sức để sẵn sàng cho giai đoạn 'lò xo giải nén' Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 “đổ bộ” Việt Nam giống như “cú đấm bồi” vào ngành du lịch vốn dĩ đã khó khăn do ... |
| Du lịch nội địa và chiến lược phát triển trong tình hình mới Ngày 15/4, Diễn đàn Du lịch Nội địa toàn quốc 2021 với chủ đề Du lịch nội địa – Động lực khôi phục du lịch ... |