Nhỏ Bình thường Lớn

Mùa hè ý nghĩa với "Hành trình di sản quê hương"

Hành trình di sản quê hương là chủ đề của Trại hè Việt Nam 2008 - dành cho thanh niên Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới do Uỷ ban về NVNONN phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức. Mùa hè thứ 5 bắt đầu từ 18/7 đến 2/8/2008 đã thu hút sự tham gia của hơn 80 đại biểu đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trại hè Việt Nam 2008 tạo cơ hội để thanh niên Việt Nam thế hệ thứ 2 - 3 đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới tìm về quê hương. Các hoạt động tại Việt Nam giúp các em có thể hiểu sâu sắc về văn hoá, lịch sử, truyền thống dựng nước của dân tộc, nhận thức được đường lối, chính sách của Nhà nước và sự phát triển của đất nước. Đây cũng là dịp để thanh niên Việt Nam ở ngoài nước có thêm niềm tự hào về các di sản quý giá của quê hương như Đền Hùng, Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An, địa đạo Củ Chi…

 

Điểm mới của Trại hè năm nay là ngoài các hoạt động tham quan các Di sản văn hoá của đất nước, các em sẽ được tham dự 3 hoạt động chính là: Trò chơi “Rung chuông vàng” do Chương trình VTV3, Đài truyền hình Việt Nam ghi hình; tham dự chương trình giao lưu trực tuyến “Những đoá hoa bất tử” do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại ngã ba Đồng Lộc và tham gia chương trình giao lưu trực tuyến “Hát về Mẹ Tổ quốc tôi” tại Quảng Nam. Với mong muốn các em luôn gìn giữ tiếng Việt, ông Trần Trọng Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN cho rằng, tham dự Trại hè Việt Nam là điều kiện tốt để các em trau dồi tiếng Việt. Ông hy vọng sau những ngày đáng nhớ này, các em sẽ nói tiếng Việt tốt hơn và thuộc nhiều bài hát bằng tiếng Việt.

 

“Hành trình di sản quê hương” trải dài trên ba miền đất nước, từ miền Bắc với buổi khai mạc diễn ra tại Đền Hùng, đến miền Trung và cuối cùng là buổi bế mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Em Đặng Xuân Bách (21 tuổi) đã cùng gia đình sang Áo từ khi 2 tuổi, tâm sự: “Khi còn nhỏ, tôi chưa có khái niệm về Việt Nam. Nhưng trong gia đình, tôi luôn được bố mẹ dạy tiếng Việt và bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của Việt Nam. Tham dự Trại hè lần này, tôi được giao lưu với các bạn sinh viên trong nước, đi dọc chiều dài đất nước để tìm hiểu văn hoá Việt Nam và cảm thấy rất đỗi thân thương, gần gũi. Tôi đang học trường Y và dự định sẽ học y học cổ truyền Việt Nam để chữa bệnh cho mọi người”.         

 

Hải Thanh