Nhỏ Bình thường Lớn

Mưa lũ lịch sử ở châu Âu: Đức gánh hậu quả thảm khốc nhất sau Thế chiến II; Bỉ lệnh giới nghiêm, lo ngại cướp bóc

Mưa lũ lớn lịch sử đang hoành hành tại Đức và Bỉ, khiến hàng chục người tử vong và nhiều người mất tích trong khi thời tiết tiếp tục diễn biến xấu.
Mưa lũ lịch sử ở châu Âu: Đức gánh hậu quả thảm khốc nhất sau Thế chiến II; Bỉ lệnh giới nghiêm, lo ngại cướp bóc. (Nguồn: AFP)
Cứu hộ cố gắng tiếp cận các nạn nhân đang bị cô lập bởi mưa lũ lịch sử ở Đức ngày 15/7. (Nguồn: AFP)

Đêm 15/7, giới chức Đức cho biết, đã có ít nhất 59 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn gây ngập lụt nhiều khu vực ở miền Tây nước Đức những ngày qua, trong đó, nặng nề nhất là bang Nordrhein-Westfalen (31 người) và Rheinland-Pfalz (28 người).

Hiện vẫn còn hàng chục người mất tích trong khi thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, có nguy cơ gây thiệt hại nặng hơn nữa cả về người và của.

Ít nhất 850 binh sĩ đã được triển khai tham gia ứng cứu cùng các lực lượng cứu hộ địa phương, mục đích trước mắt là cứu những người bị mắc kẹt ở các căn nhà, khu vực bị ngập nước và bị cô lập, cũng như tìm kiếm các thi thể và hàng chục người vẫn còn mất tích.

Mưa lũ đã khiến hàng trăm nghìn hộ gia đình mất điện, đặc biệt tình trạng mất điện ở thành phố Leverkusen đã buộc giới chức nơi đây phải sơ tán toàn bộ một bệnh viện có gần 500 bệnh nhân.

Nhiều vụ sập, sạt lở cầu đường khiến hàng loạt tuyến đường bị phong toả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông vận tải và đi lại. Công ty đường sắt Đức Deutsche Bahn đã kêu gọi hành khách hoãn mọi kế hoạch đi lại tới hoặc qua khu vực thiên tai do nhiều tuyến tàu đã phải ngừng hoạt động.

Vụ mưa lũ này được xem là một trong những thảm hoạ thiên tai tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến 2.

Từ Washington, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Mỹ bày tỏ bà đã bị sốc khi thấy những hình ảnh đau thương quê nhà.

Gọi đây là thảm kịch quốc gia, Thủ tướng Merkel cam kết, chính phủ Đức sẽ làm hết sức có thể để ứng cứu người dân, ngăn chặn các nguy cơ và giải quyết hậu quả đợt mưa lũ.

Trong khi đó, tại Bỉ, từ 2 ngày qua, nước này đã phải hứng chịu trận lũ lớn chưa từng có trong lịch sử quốc gia được mệnh danh là "trái tim châu Âu" này.

Theo thống kê từ lực lượng cứu hộ Liên bang Bỉ, tới nay đã có 9 người thiệt mạng và 4 người mất tích. Hầu hết các thành phố phía Nam của Bỉ bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt lũ lịch sử này, thiệt hại về vật chất hiện vẫn chưa thể ước tính được.

Thành phố Verviers thuộc tỉnh Liège hiện đã áp dụng lệnh giới nghiêm từ 9h-6h sáng nhằm ngăn chặn nạn cướp bóc, vì nhiều cửa hàng đã bị đột nhập trong thời gian qua.

Trước diễn biến xấu của thời tiết và mực nước dâng cao kỷ lục tại các vùng phía Nam, Bộ Quốc phòng Bỉ đã triển khai nhiều nguồn lực kể từ tối 14/7 nhằm thực hiện công tác cứu hộ người dân đang mắc kẹt tại vùng nước lũ.

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết xấu, các máy bay trực thăng cứu hộ của Bộ Quốc phòng vẫn không thể tiến hành sơ tán người dân ở các tỉnh Liège, Namur, Luxembourg và Limburg.

Ngoài ra, nhiều doanh trại dã chiến đã được quân đội dựng lên để tiếp nhận người gặp nạn nghỉ đêm nếu cần thiết.

Bỉ cũng kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của Liên minh châu Âu (EU), cho phép kêu gọi các quốc gia khác hỗ trợ cụ thể về thiết bị, nhân sự, v.v., đồng thời có thể huy động "nhóm hỗ trợ bảo vệ dân sự châu Âu".

Đáp lại, Pháp đã cử 40 nhân viên cứu hộ đến tỉnh Liège, cũng như một máy bay trực thăng với hai nhân viên cứu hộ. Italy và Áo cũng đã cung cấp viện trợ đáng kể về người và trang thiết bị để hỗ trợ Bỉ.

Theo Tổng thống Putin, Nga-Mỹ chung lợi ích trong vấn đề gì?

Theo Tổng thống Putin, Nga-Mỹ chung lợi ích trong vấn đề gì?

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, chống biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực mà Nga và Mỹ có chung lợi ...

Thủ tướng Đức thăm Mỹ: Món quà cuối cùng của bà Merkel

Thủ tướng Đức thăm Mỹ: Món quà cuối cùng của bà Merkel

Chuyến thăm Washington ngày 15/7, gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden là cơ hội để Thủ tướng Đức Angela Merkel viết nên cái kết đẹp ...

(tổng hợp)