Hiện nay, theo nhiều chuyên gia kiến trúc và kinh tế, các trung tâm thương mại “mọc như nấm sau mưa” ở các nước, kể cả Mỹ, vốn được coi là “thiên đường mua sắm” đang làm lãng phí diện tích xây dựng trong khi hiệu quả kinh doanh không thật cao.
Bên trong một trung tâm mua sắm lớn ở Hong Kong (Nguồn: The Conversation) |
Bất cập này đã được giải quyết ở Hong Kong. Nơi đây có hơn 300 trung tâm mua sắm, nhưng chúng không chiếm những mặt bằng rộng mà được xây ngay bên trên các trạm tàu điện ngầm hoặc trong các tòa nhà chọc trời. Một số trung tâm kết nối rất nhiều tòa tháp cao tầng tạo thành những “siêu cấu trúc” có sức chứa hàng chục ngàn người sống, làm việc và vui chơi ngay trong đó.
Hong Kong là đô thị nổi tiếng với những trung tâm mua sắm nằm trong những tòa nhà chọc trời phục vụ mọi nhu cầu ăn uống, giải trí. Tất cả đều rất đông khách. Các trung tâm mua sắm này được xây sau năm 1975, khi chính quyền địa phương thành lập Tổng Công ty Đường sắt (MTRC). Nhờ kết hợp hài hòa việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm với phát triển lĩnh vực nhà đất, họ đã thành công trong việc tính toán cho phép các trạm dừng tàu điện ngầm được đặt xen kẽ hợp lý với các tòa nhà văn phòng và khu mua sắm.
Các trung tâm mua sắm cỡ lớn ở Hong Kong nhanh chóng trở thành những điểm đến được nhiều người ghé thăm nhất trên thế giới.
Hiện các nhà phát triển đô thị ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới bắt đầu tham khảo, học hỏi cách xây dựng này của Hong Kong để cải thiện và sửa chữa sai lầm do xây dựng quá nhiều những trung tâm mua sắm lớn ở vùng ngoại ô theo kiểu Mỹ.
Một mô hình không đầy đủ
Các trung tâm mua sắm nội đô của Hong Kong hơi giống với những ý tưởng ban đầu của kiến trúc sư người Mỹ Victor Gruen. Năm 1956, ông Gruen đã thiết kế trung tâm thương mại đầu tiên Southdale ở bang Minnesota, với nhiều đặc điểm giống ngày nay: hoàn toàn khép kín với các cửa hàng, thang cuốn và mái vòm bằng kính. Tuy nhiên, trung tâm Southdale đã không được hoàn thiện chính xác như ý tưởng ban đầu của ông Gruen. Ông muốn các trung tâm mua sắm không chỉ đơn thuần là nơi để mua sắm mà phải như một thị trấn nhỏ, bao gồm các căn hộ, văn phòng, công viên và trường học, nhằm cung cấp nhiều lựa chọn cho người dân.
Năm 1978, trong bài phát biểu với tựa đề "Câu chuyện buồn của các trung tâm mua sắm", ông Gruen đã than vãn về "bi kịch chất lượng xuống cấp" của các trung tâm này. Theo đó, "những nhà quảng cáo và kẻ đầu cơ chỉ muốn làm ăn nhanh" đã làm hỏng tầm nhìn của ông bằng cách chạy theo thị hiếu đám đông. Thay vì xây công viên và các khu căn hộ cho người dân ở gần các trung tâm mua sắm, các nhà phát triển lại để chỗ cho những bãi đậu xe mà ông Gruen coi là "đáng xấu hổ vì quá lãng phí mặt bằng".
Chủ nghĩa tiêu thụ
Nhưng vị kiến trúc sư người Mỹ sẽ được chia sẻ khi thấy những trung tâm thương mại đô thị của Hong Kong hiện nay. Chúng là những tòa nhà có công suất sử dụng rất cao, bao quanh bởi các căn hộ và những hành lang người đi bộ chứ không phải nằm giữa một bãi bê tông rộng mênh mông và xung quanh chỉ toàn ô tô đậu. Thậm chí, những trung tâm này còn vượt ra khỏi tầm nhìn của ông bởi chúng được kết hợp chặt chẽ với giao thông công cộng. Ví dụ, Quảng trường Union của Hong Kong là siêu cấu trúc nằm trên một ga tàu điện ngầm, bao gồm các khu nhà ở, văn phòng và khách sạn. Có khoảng 70.000 cư dân sống ở đây. Các khối nhà thể hiện khái niệm hoàn toàn mới về cuộc sống đô thị, giống như một “thành phố tự trị nằm trong thành phố".
Đô thị này được thiết kế thuận tiện một cách có chủ ý. Trung tâm mua sắm đặt tại giao lộ của tất cả các lối đi dành cho người đi bộ, giữa tất cả các điểm đi vào các khu dân cư, văn phòng và khu vực quá cảnh (transit). Đối với hàng triệu người đi bộ ở nơi đây, đi xuyên qua các trung tâm thương mại là bắt buộc và không có lựa chọn nào khác. Cuộc sống hàng ngày của con người diễn ra ngay trong trung tâm mua sắm, và chúng cũng kiêm luôn vai trò quảng trường công cộng.
Lý do là các căn hộ ở Hong Kong khá chật hẹp. Thêm vào đó, thời tiết mùa hè ở đây nóng nực và ẩm ướt. Các trung tâm mua sắm đương nhiên trở thành nơi tụ tập của nhiều người do có không gian rộng thoáng, điều hòa mát mẻ miễn phí. Và khi ở đó, ta dễ lướt qua các cửa hàng và “bỗng dưng” móc túi để mua thứ gì đó không nằm trong kế hoạch. Về mặt này, các trung tâm mua sắm của Hong Kong đã đạt được tiềm năng tối đa của khái niệm mà các học giả gọi là "hiệu ứng Gruen" - thuật ngữ được đặt theo tên của kiến trúc sư Victor Gruen.
Xu hướng mới
Các thành phố như Thâm Quyến, Thượng Hải cũng đang tìm cách phát triển những trung tâm mua sắm kiểu Hong Kong, phản ánh sự gia tăng nhanh chóng của tiêu dùng trong nước và được biết đến với thuật ngữ: "HOPSCA" - viết tắt của khách sạn, văn phòng, nơi đậu xe, trung tâm mua sắm, trung tâm hội nghị và căn hộ.
Các trung tâm mua sắm hiện đại cũng đang xuất hiện nhiều hơn ở Mỹ. Miami có trung tâm Brickell, gồm ba tòa nhà cao tầng, do một công ty phát triển Hong Kong xây dựng. Thành phố New York đang xây dựng trung tâm mua sắm 7 tầng nối liền hai tòa nhà chọc trời ở khu Hudson Yard - khu phát triển tư nhân lớn nhất nước Mỹ, với hơn 100 cửa hàng, hàng ngày thu hút lượng khách du lịch đông đảo “lăm lăm” gậy tự sướng trong tay. Từ khi trung tâm này kết nối các tòa nhà văn phòng với các tuyến tàu điện ngầm, các cửa hàng ở đây ngày nào cũng có khoảng 50.000 hành khách đi qua.