Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Nguồn: Sputnik) |
Điện Kremlin khẳng định, các bên đã bắt đầu nghiên cứu về khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Kerry với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc gặp lần trước giữa ông Kerry với Tổng thống Putin đã diễn ra trong bầu không khí tích cực, thậm chí còn có cả những câu nói đùa. Còn trong cuộc gặp lần này, có lẽ họ sẽ ít có cơ hội để vui vẻ hơn.
Nhiều vấn đề cần tháo gỡ
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố, các chủ đề chính trong chuyến thăm Moscow lần này của ông Kerry là tình hình ở Syria, Ukraine, cuộc xung đột ở Nagorno - Karabakh, cũng như nhiều vấn đề khác.
Ngày 12/7, Dmitry Peskov - Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga - đã thông báo về chi tiết chuyến thăm trên: “Chúng tôi hy vọng rằng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Nga - chuyến thăm thứ tư kể từ tháng 5/2015 - sẽ góp phần cải thiện bầu không khí mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, điều sẽ góp phần ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định trên thế giới cũng như triển vọng giải quyết một loạt vấn đề toàn cầu”.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng, quan hệ giữa hai nước đang khá phức tạp do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi “các bước đi thiếu thân thiện của Washington”. Mỹ còn áp đặt các lệnh cấm vận đầu tiên chống lại Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc bán đảo Crimea được sáp nhập vào Liên bang Nga.
Bất chấp những vấn đề này, hai nước vẫn tiếp tục hợp tác trên một số vấn đề quốc tế. Trong số đó có tiến trình hòa bình ở Syria, cũng như việc thực thi Thỏa thuận Minsk, để giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Viktor Kremeniuk, việc ông Kerry trở lại Moscow chỉ 3 tháng sau chuyến thăm gần đây nhất của ông không có gì đáng ngạc nhiên. Moscow và Washington sẽ thảo luận về những căng thẳng mới.
Theo chuyên gia Kremeniuk, một yếu tố đang “kích động” Kremlin chính là kết quả Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) mới diễn ra hồi tuần trước. Đặc biệt, yếu tố ảnh hưởng tiêu cực nhất tới quan hệ Nga - NATO chính là quyết định bổ sung thêm 4.000 quân ở các quốc gia Baltic và Ba Lan, sát biên giới Liên bang Nga.
Ông Fyodor Lukyanov - Biên tập viên tạp chí Nga trong nền chính trị toàn cầu - nhận định: “Trong cuộc gặp này, hai bên sẽ thảo luận về một số nội dung quan trọng. Thứ nhất là về vấn đề Syria. Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga và Mỹ hôm 6/7 về cuộc xung đột ở Syria không hề đạt được bất cứ điều gì”.
Điểm nhấn vẫn là Syria và Ukraine
Trong vài tháng gần đây, tình hình Syria đang là mối quan tâm của cả Moscow lẫn Washington. Sự leo thang tranh chấp giữa phe đối lập vũ trang và quân đội trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad (đồng minh lâu năm của Moscow), đã làm gián đoạn các hoạt động nhân đạo và bị Liên hợp quốc (LHQ) chỉ trích mạnh mẽ. Ngoài ra, hoạt động ngoại giao quốc tế nhằm thành lập một Chính phủ đoàn kết dân tộc ở Syria diễn ra ở Geneva trong một thời gian dài mà không mang lại bất cứ kết quả nào.
Ngày 12/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng khẳng định, việc Syria đang rơi vào tình trạng bế tắc mới sẽ là một trong những chủ đề chính trong cuộc gặp của ông với Ngoại trưởng Kerry.
Trước đó, ông Lavrov đã nói về cuộc thảo luận khó khăn với người đồng cấp Mỹ về phong trào cấp tiến Dzhebhat en-Nursa vốn bị Moscow coi là khủng bố và bị cấm hoạt động ở Nga. Theo ông Lavrov, Kremlin yêu cầu các chiến binh Syria ôn hòa được Washington ủng hộ phải rời khỏi vùng lãnh thổ do Dzhebhat en-Nursa chiếm đóng. Điều này là cần thiết đối với các hoạt động chống khủng bố của Nga. Khi đó, Ngoại trưởng Lavrov đã không nhận được một câu trả lời rõ ràng từ ông Kerry.
Viktor Kremennyuk cho rằng ông Kerry dự định sẽ thảo luận thêm với Moscow về hai cuộc xung đột khác: cuộc đối đầu ở miền Đông Ukraine và cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh.
Tại miền Đông Ukraine, bạo lực đã leo thang vào cuối tháng 6 vừa qua. Điều này đã phá vỡ kế hoạch của Mỹ, vốn đang hy vọng Kiev có thể tìm được tiếng nói chung với đại diện nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, đồng thời thống nhất với họ về cuộc bầu cử ở Donbass theo luật pháp Ukraine.
Trong khi đó, cuộc xung đột ở Nagorno - Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đã trải qua giai đoạn căng thẳng hồi tháng 4 vừa qua. Ngoài các vấn đề trên, chuyên gia này cho rằng hai bên sẽ bàn về chiến lược hạt nhân quốc gia mới của Tổng thống Obama. Ý tưởng cơ bản là khôi phục đối thoại với Nga về giải trừ vũ khí hạt nhân và đề nghị Moscow kéo dài Thoả thuận hiện có về cắt giảm và giới hạn vũ khí tấn công chiến lược (Start-III), quy định hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân và các tên lửa đẩy trong kho vũ khí của Nga và Mỹ.
Ông Lukyanov cho biết: “Khi mới bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama đã tuyên bố về sự cần thiết phải loại trừ các vũ khí hạt nhân. Với việc mở rộng Start-III, ông Obama đang nỗ lực củng cố di sản chính trị của mình”.
Nếu không kéo dài thỏa thuận Start-III thì sau năm 2021, giữa Mỹ và Nga sẽ không tồn tại bất cứ văn bản nào quy định việc giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân của mỗi nước. Và khi đó, thế giới lại đối mặt với một cuộc chạy đua vũ trang mới.